Đến TP.HCM bằng sức lực và đôi chân
Mặt nhễ nhại mồ hôi, da cháy đen vì nắng, Hoàng Anh (ở nhà thường gọi là Bắp, quê Đà Nẵng) cho biết em rất hạnh phúc và "thấy đã" vì được đặt chân đến TP.HCM bằng sức lực và đôi chân của mình.
"Những ngày đầu em từng muốn bỏ cuộc vì mệt, nắng nóng, nhưng nhờ sự cổ vũ của bố mẹ, bạn bè và người đồng hành là chú Cương, mọi việc diễn ra suôn sẻ", cậu bé 13 tuổi kể.
Trước đó, năm 2022, anh trai của Bắp tên Hoàng Quốc Anh (17 tuổi) từng đạp hơn 800km từ Đà nẵng ra Hà Nội trong suốt 8 ngày. Nhờ sự truyền lửa của bố và anh trai, Bắp đã tận dụng mùa hè của mình chinh phục quãng đường 1200km từ Hội An vào TP.HCM bằng xe đạp.
Trong suốt hành trình này còn có anh Đỗ Mạnh Cương (bạn thân bố của Bắp) ở Gia Lai, người từng hai lần đi bộ xuyên Việt, đồng hành cùng cậu bé.
"Tôi luôn muốn truyền tải kinh nghiệm sống, tiếp thêm ý chí, sức mạnh cho thế hệ sau theo đuổi đam mê nên khi bố mẹ Bắp mở lời đã đồng ý", anh Cương nói.
Một tuần trước chuyến đi, Bắp mang chiếc xe đạp đi bảo dưỡng và thử sức bằng những chặng ngắn quanh thành phố Đà Nẵng hay Hội An.
Ngày 5/7, Bắp cùng chú Đỗ Mạnh Cương lên đường. Hành trang của em chỉ gồm hai bộ quần áo, găng tay, giày dép, gói gọn trong chiếc balo buộc sau xe. Dự kiến tới Dinh Độc lập, TP.HCM vào ngày 15/7.
Bắp chia sẻ suốt hành trình vừa đạp xe vừa ngắm cảnh, chưa bao giờ chàng trai 13 tuổi cảm thấy thiên nhiên Việt Nam lại đẹp dịu dàng đến vậy. Tuy nhiên, ở chặng gần về đích, từ Phan Rang hướng về TP.HCM, trời nổi gió to, đường dốc, Bắp nói em phải đạp liên tục 8 tiếng một ngày không dám nghỉ, để mong về đích đúng ngày 15/7.
Lúc nản chí nhất, Bắp nghĩ đến việc chiếc xe đạp của mình sẽ bán đấu giá mỗi km 10.000 đồng để xây nhà vệ sinh cho trẻ vùng cao. Nhờ đó chàng trai được tiếp thêm sức mạnh.
"Trước khi đi em lo gặp người xấu, bị cướp, dọa đánh trên đường nhưng suốt hành trình đều là lời động viên, cổ vũ của người lạ khi biết hai chú cháu đạp xe vào TP.HCM. Mọi người coi em như người thân, còn tặng quà và cho thưởng thức món ăn ngon. Đây có lẽ là trải nghiệm vô giá thay vì trốn trong nhà hết kỳ nghỉ hè", Bắp cười.
Cùng đồng hành trong 10 ngày, anh Cương nhận thấy sự trưởng thành và nghị lực vượt lên chính mình của Bắp.
"Đây là hành trình gian nan, vất vả, hiếm đứa trẻ nào trong tầm tuổi của cậu bé có thể thực hiện", anh cho biết.
Chứng kiến con trai về đích, anh Hoàng Quốc Quyền, bố Bắp, không giấu được xúc động. "Đây là thử thách giúp con vững vàng và trưởng thành hơn. Gia đình tôi luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho con được trải nghiệm và nhận về nhiều bài học quý giá, nhưng vẫn cần đảm bảo an toàn", anh nói.
Gây quỹ xây nhà vệ sinh cho trẻ vùng cao
Kết thúc hành trình 1200 km, Bắp bày tỏ mong muốn bán đấu giá hai chiếc xe đạp để quyên góp vào Hope Foundation - Quỹ Hy Vọng, một quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận để xây nhà vệ sinh đạt chuẩn cho trẻ vùng cao. Cụ thể, cứ 1 km mà chiếc xe đã đi tương ứng với 10.000 đồng, do đó giá khởi điểm mong muốn cho hai xe là 60 triệu đồng.
"Chiếc xe đạp không chỉ là phương tiện, kỷ vật ý nghĩa của con và anh trai, mà cháu còn muốn hai chiếc xe đạp sẽ có thể nhân đôi, nhân ba giá trị đến với cộng đồng. Vì thế, chúng cháu mong muốn góp sức, đạp được càng nhiều km để quy đổi được một khoản, chung tay cùng quỹ giúp trẻ vùng cao", Bắp nói.
Bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Quỹ Hy Vọng cho biết quỹ có hạng mục dự án Vệ sinh học đường, nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu, không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh xuống cấp ở vùng cao, khó khăn.
Dự án thực hiện vào tháng 6/2022 đến nay đã xây được hơn 100 nhà vệ sinh tại Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Thái Bình, cải thiện điều kiện vệ sinh cho khoảng 20.000 học sinh và giáo viên ở các huyện vùng cao, khó khăn. Mỗi công trình vệ sinh có kinh phí xây dựng từ 80-175 triệu đồng.
"Tôi nghĩ đối với đứa trẻ 13 tuổi mà làm được điều đó thật sự rất bản lĩnh và dũng cảm. Tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng hạnh phúc chính là sự yêu thương, qua hình ảnh của Bắp, nhiều bạn trẻ có thể học hỏi, vượt qua chính mình và nghĩ đến xã hội như Bắp", bà Thanh bày tỏ.