Cụ thể, toàn tỉnh Ninh Bình đã xuống giống được khoảng 20.750 ha lúa mùa (đạt trên 73% diện tích kế hoạch). Tuy nhiên, việc thời tiết liên tục có mưa lớn những ngày qua đã gây ngập úng trên diện rộng nhiều diện tích mới cấy và sạ, đe dọa đến sản xuất.
Tổng hợp nhanh từ Chi cục Thủy lợi, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, trong ngày 16/7, ghi nhận khoảng 2.000 ha lúa bị ngập úng, sâu nước. Trong đó, diện tích bị ngập trắng là 1.550 ha, ngập phất phơ là 285 ha, còn lại là ngập 2/3 cây trở lên. Tập trung chủ yếu ở các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn.
Tại huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã xuống giống được 1.634/2.360 ha lúa mùa, trong đó diện tích gieo thẳng chiếm tới gần 70%. Đây là những diện tích rất dễ ảnh hưởng của mưa úng, đặc biệt là những nơi ruộng sâu trũng, không chủ động được việc tiêu thoát nước.
Riêng ngày 15/7, toàn huyện Hoa Lư có 446 ha lúa bị ngập, ngày 16/7 con số này tiếp tục tăng lên khoảng hơn 500 ha.
Ông Nguyễn Văn Đào (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) cho biết: "Gia đình vừa cấy xong 5 sào lúa, nhưng mấy hôm nay mưa lớn, số diện tích lúa cấy bị ngập khiến một số cây mạ đã bị nổi lên".
Ông Đào cũng như nhiều nông dân khác ở xã Trường Yên mong trời ngừng mưa, trạm bơm vận hành thông suốt để sớm tiêu thoát nước, cứu lấy diện tích lúa của gia đình, chứ tình trạng ngập úng kéo dài nguy cơ vụ Mùa mất trắng.
Phòng NNPTNT huyện Hoa Lư thông tin, hiện đang là cao điểm gieo cấy lúa mùa nên không riêng gì huyện Hoa Lư mà nhiều diện tích lúa ở các địa phương khác trong tỉnh Ninh Bình cũng bị ảnh hưởng của mưa lớn.
Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình cảnh báo, vụ mùa thường xuyên có mưa lớn, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân không nên sử dụng phương pháp gieo sạ.
Đồng thời khuyến cáo chỉ những chân ruộng cao, tưới-tiêu chủ động hoàn toàn, gọn vùng mới tổ chức gieo sạ. Tuy nhiên, do tập quán và tình trạng thiếu lao động nên diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Với những diện tích lúa mới gieo, rễ chưa kịp bám vào đất gặp những trận mưa lớn vừa qua thì chắc chắn mộng mạ sẽ bị trôi dạt, phải gieo lại.
Ông Đinh Khánh Chiêu-Trạm trưởng Trạm bơm Bạch Cừ cho biết: "100% quân số của Trạm bơm trực để thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi điện áp, việc thoát nhiệt của động cơ máy bơm; vớt bèo, rác, vật cản trước các cửa lưới chắn để ngăn tắc. Đảm bảo các máy bơm vận hành trơn tru, hiệu quả, tiêu thoát nước tối đa".
Được biết, toàn tỉnh Ninh Bình đang vận hành 148 máy bơm thuộc 45 trạm bơm và mở 54 cống trên đê để tiêu úng, cứu lúa. Nhiều diện tích lúa đến nay đã được tiêu úng nhanh.