Dân Việt

Trúng thầu sát giá còn "tiết kiệm" chi phí đảm bảo an toàn giao thông?

Vũ Khoa 18/07/2024 10:43 GMT+7
Dù là những có gói giá trị lớn, nhưng với sự xuất hiện của Cầu đường Hà Nội, các gói thầu thường chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và có giá trúng thầu sát với dự toán.

Trúng thầu hơn nghìn tỷ với tỷ lệ tiết kiệm thấp

Công ty CP Xây dựng cầu đường Hà Nội thành lập tháng 7/2004 tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Năm 2020, doanh nghiệp thay đổi ông Nguyễn Văn Hưng, giữ chức danh Giám đốc thay cho người đại diện cũ là ông Đào Xuân Bính.

Hồ sơ về đấu thầu cho thấy, giai đoạn 2016 – 2023, Công ty đã trúng tổng cộng 27 gói thầu. Tuy tham dự không nhiều, nhưng những gói thầu Công ty tham dự đều có giá trị lớn, do đó đưa tổng giá trị trúng thầu lên tới 3.111 tỷ đồng, đa số ở các huyện ngoại thành Hà Nội.

Năm 2019, hồ sơ đấu thầu ghi nhận Công ty CP Xây dựng Cầu đường Hà Nội (Cầu đường Hà Nội) được phê duyệt gói 03 Xây lắp đường giao thông liên xã Hoà Nam đi Hoà Phú (giai đoạn 2). Giá trúng thầu 30 tỷ đồng, thấp hơn giá dự toán 29 triệu đồng, tiết kiệm chưa đầy 1%. Kể từ sau gói thầu này, Cầu đường Hà Nội bắt đầu trúng liên tiếp nhiều gói thầu trên địa bàn huyện Ứng Hoà với giá rất sát dự toán.

Tới cuối năm 2019, Cầu đường Hà Nội tiếp tục trúng gói 04 Thi công xây dựng công trình, thuộc Dự án nâng cấp tỉnh lộ 428 đoạn từ Quốc lộ 21B đến cầu Quảng Tái, giá trúng thầu 131 tỷ đồng, cao hơn gần 10 tỷ đồng so với giá dự toán.

Tháng 8/2020, Cầu đường Hà Nội giữ vai trò liên danh phụ và cùng Công ty CP Minh Trâm trúng thầu gói 02 Xây lắp nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 429C đoạn từ cầu Bầu đến cầu Hậu Xá. Gói thầu này có giá dự toán 170 đồng, Liên danh nhà thầu trúng thấp hơn dự toán khoảng 1 tỷ đồng, 169 tỷ đồng, tương đương chênh lệch 1%.

Cuối năm này, Công ty trúng gói 03 Xây dựng thuộc dự án đường giao thông liên xã Trường Thịnh đi Hoa Sơn, Cao Thành, giá trúng thầu 31,7 tỷ đồng, thấp hơn 74 triệu đồng so với dự toán, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm vỏn vẹn 0,2%.

Đến năm 2021, Cầu đường Hà Nội trúng liền 2 gói vào tháng 12. Trong đó, gói 06 Xây lắp thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL21B đoạn từ thị trấn Vân Đình tới đường 424, Liên danh Cầu đường Hà Nội – Công ty CP Minh Trâm trúng thầu với giá 353 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm chưa đầy 0,2%.

Cùng đó là gói 03 Xây dựng thuộc dự án đường nối từ tỉnh lộ 426 đến trục phát triển phía Nam Thủ đô Hà Nội, giá trúng thầu 122 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 0,2%.

Năm 2023, Liên danh Cầu đường Hà Nội - Công ty CP tư vấn và Xây dựng phát triển Công nghệ - Công ty CP Minh Trâm trúng gói 05 xây dựng đường giao thông liên xã Đông Lỗ - Kim Đường, kết hợp cứng hoá kênh mương đoạn từ kênh I2-14 đến kênh A2-12 xã Đông Lỗ, giá trúng thầu 153 tỷ đồng, giảm 346 triệu đồng so với dự toán, tương đương chênh lệch 0,2%.

Ngày 15/12/2023, Cầu đường Hà Nội đứng đầu Liên danh với Công ty Tư vấn và xây dựng phát triển Công nghệ - Duy Anh – Lộc Phát trúng gói thi công, xây dựng dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 426 Quàn Xá đến Thái Bằng, giá trúng thầu 409 tỷ đồng, thấp hơn 446 triệu đồng so với dự toán, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 0,1%.

Trúng thầu sát giá còn "tiết kiệm" chi phí đảm bảo ATGT?- Ảnh 1.

Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu gói thi công, xây dựng dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 426 huyện Ứng Hoà.

Như vậy, chỉ tính riêng 8 gói thầu vừa liệt kê trên địa bàn huyện Ứng Hoà, Cầu Đường Hà Nội đã trúng thầu với tổng giá trị trên 1.398 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù là những có gói giá trị lớn, nhưng dù xuất hiện độc lập hay dưới vai trò liên danh, các gói thầu này chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự.

Nhà thầu "tiết kiệm" chi phí ATGT?

Thời gian gần đây, người dân sinh sống dọc hai bên đường 21B, đoạn qua huyện Ứng Hòa, quốc lộ 21B phản ánh về tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến. Được biết, địa điểm này gói thầu nhà thầu thi công rất chậm chạp, công trường rất vắng vẻ, có khi hàng tháng chẳng có máy móc hay công nhân thi công.

Đường sá thường xuyên lầy lội khi mưa, bụi bặm lúc trời nắng, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày. Tuyến đường này chạy qua các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai ra tới Hà Đông và có lưu lượng phương tiện rất lớn, đặc biệt là xe tải chở hàng hóa lưu thông giữa các quận, huyện.

Trúng thầu sát giá còn "tiết kiệm" chi phí đảm bảo ATGT?- Ảnh 2.

Đủ loại phương tiện chen chúc trên tuyến đường hẹp, trơn trượt nhưng không có công nhân điều tiết.

Do đó, người dân kiến nghị cơ quan chức năng cần đôn đốc nhà thầu nghiêm túc triển khai thi công, đồng thời đảm bảo các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày qua cho thấy, phản ánh của người dân về việc thi công dự án mở rộng quốc lộ 21B, đoạn qua huyện Ứng Hòa là có cơ sở. Theo đó, dọc tuyến thi công dang dở, nhưng được rào chắn tạm bợ, sơ sài bằng cách căng dây nilon hoặc đặt rào tạm.

Đặc biệt, dù là thời điểm sáng hay chiều, công trường thường vắng bóng công nhân điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại.

Như đã nêu trên, gói thầu cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21B đoạn từ thị trấn Vân Đình tới đường tỉnh 424, qua địa phận huyện Ứng Hòa có chiều dài khoảng 4,63 km. Gói thầu này có giá trị tới 354 đồng, trong đó 337 tỷ đồng là chi phí xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông.

Không những có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách rất thấp, nhà thầu dường như còn "tiết kiệm" chi phí đảm bảo an toàn giao thông.

Trúng thầu sát giá còn "tiết kiệm" chi phí đảm bảo ATGT?- Ảnh 3.

Vật liệu ngổn ngang nhưng không có rào chắn.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện một nhà thầu cho rằng, đối với công trình gắn liền với tuyến đường giao thông, không thể cấm hoàn toàn hoạt động giao thông để thi công thì việc đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với nhà thầu thi công.

Một số chi phí như cần có tổ an toàn giao thông, nhân viên đảm bảo giao thông. Bên cạnh đó, còn có các công cụ đảm bảo an toàn giao thông như biển báo công trường, biển báo giảm tốc, cọc tiêu.. hoặc đèn báo, dây phản quang vào ban đêm. Vị này cho rằng công tác đảm bảo an toàn giao thông cần thiết duy trì mọi thời điểm trong ngày, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu.

Trúng thầu sát giá còn "tiết kiệm" chi phí đảm bảo ATGT?- Ảnh 4.

Nhiều vị trí như đặt "bẫy" người tham gia giao thông.

"Thông thường các nhà thầu sẽ tương đối chú ý công tác này, bởi đối với một gói thầu có hiện tượng không đảm bảo an toàn giao thông, đa số Chủ đầu tư sẽ yêu cầu làm rõ việc nhà thầu có cố ý cắt giảm chi phí hay không, nhằm phục vụ cho công tác nghiệm thu tài chính", vị này cho biết thêm.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL21B được khởi công vào tháng 11/2022 và dự kiến hoàn thành vào 29/8/2025. Các hạng mục xây dựng gồm đường giao thông với quy mô mặt cắt 29m, kè xây, ốp mái taluy; thoát nước; cây xanh; chiếu sáng; hào, hoàn trả đường gom; cống thủy lợi; điếm canh đê, tường chắn lũ...