Trước thời nhà Thanh, Trung Quốc đã từng không ít lần có sự đụng độ với nền văn minh phương Tây, cụ thể là Hy Lạp - nơi có khoảng cách địa lý lên tới 7.000 km. Được biết, vào 2.200 năm trước, sau khi vua Philipos II thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại thành vương quốc Macedonia, con trai ngài là Alenxader Đại đế sau khi nối ngôi đã mở cuộc chinh phạt về phía đông, chinh phục được đế chế Ba Tư, Tây Á, Trung Á, một phần Nam Á và Ai Cập.
Sự qua đời của hoàng đế này vào năm 323 TCN đã tạo cơ hợi cho những tướng lĩnh hàng đầu xưng vương, mở ra thời kỳ Hy Lạp hóa suốt 300 năm, cho đến năm 30 TCN. Vương quốc Đại Uyên thuộc khu vực bồn địa Fergana ở Trung Á là nơi xa nhất chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp ở châu Á. Người Đại Uyên được xem là thuộc dòng dõi Hy Lạp vì vào năm 329 TCN, Alexander Đại đế đưa dân Hy Lạp tới đây định cư.
Hán Vũ Đế sau khi cử Trương Khiên đi sứ Tây Vực đã phát hiện ra Đại Uyên. Điều khiến Hán Vũ Đế thích thú nhất chính là giống ngựa "hãn huyết bảo mã" ở nơi này - loài vật từng được Đại Uyên cử sứ thần mang tặng vua Hán. Hán Vũ Đế thích đến mức gọi nó là Thiên Mã (ngựa trời). Tuy nhiên, vì cậy ở xa, nhà Hán khó trừng phạt nên sứ thần Đại Uyên tỏ ra hống hách và không để lễ nghi nhà Hán vào mắt.
Không những vậy,người Đại Uyên cũng không xem trọng người Hán. Sử sách thời Hán có ghi chép về việc người Đại Uyên nhiều lần phục kích, sát hại đoàn sứ giả của nhà Hán đi Trung Á mua ngựa hãn huyết bảo mã để cướp vàng bạc châu báu. Thậm chí, có lần nhà Hán sai sứ giả đem nghìn vàng và một bức tượng ngựa bằng vàng đến thành Nhị Sư của nước này để đổi lấy ngựa quý đã bị từ chối phũ phàng. Sứ thần nóng nảy đến mức đập vỡ ngựa vàng vì thái độ coi thường của người Đại Uyên, kết cục bị ám sát cướp của trong lúc trở về.
"Con giun xéo lắm cũng quằn", Hán Vũ Đế nghe tin vô cùng giận dữ, sai tướng Lý Quảng Lợi đem 6.000 kỵ binh và 20.000 bộ binh, vượt ngàn dặm để chinh phạt Đại Uyên. Tuy nhiên, vì đánh giá thấp ý chí chiến đấu của nước này cũng như không lường trước đường xá xa xôi, khó khăn mà Lý tướng đã thất bại.
Một lý do khác dẫn đến đại bại là vì các thành phố khác ở vùng Tây Vực khi đó đóng cửa, từ chối cung cấp lương thực cho quân Hán. Trong cuộc giao tranh đầu tiên ở lãnh thổ Đại Uyên, quân Hán ước tính chỉ còn 10.000 người, bị 2.000 quân Đại Uyên, trong đó phần lớn là kỵ binh đánh tan tác. Năm 102 TCN, Hán Vũ đế tiếp tục cấp cho tướng Lý Quảng Lợi 60.000 quân, hơn 30.000 ngựa, 100.000 con bò cùng hàng vạn gia súc để vận chuyển lương thực phục vụ cuộc viễn chinh tới Đại Uyên. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, Lý tướng đã thành công vây chặt kinh đô Alexandria Eschate của Đại Uyên, buộc các quý tộc Đại Uyên làm phản, giết vua để chuộc lỗi với người Hán. Kết quả là người Đại Uyên phải nộp 3.000 hãn huyết bảo mã, đồng thời cấp lương thực cho quân Hán quay về.
Sau thất bại trước quân Hán, Đại Uyên dần suy yếu. Nó cùng với các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp ở Trung Á liên tiếp bị các bộ tộc du mục xâm lược và dần biến mất.