Đây là điều kiện cần để “ứng tuyển” nên thí sinh cần tỉnh táo để tránh “mắc bẫy” dẫn đến “vỡ mộng”.
Suýt “trượt oan” vì nhầm lẫn điểm sàn với điểm chuẩn xét tuyển đầu vào, Nguyễn Mạnh Tuấn - sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông, chia sẻ: Năm 2022, Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) công bố điểm sàn là 23,5 điểm, em được 24,75 điểm. Nghĩ đó là điểm trúng tuyển và tự tin chắc suất vào trường nên Tuấn “phớt lờ” các nguyện vọng xét tuyển khác.
Khi đọc thông tin của trường để xác nhận nhập học, Tuấn mới biết đó không phải điểm chuẩn mà là điểm tối thiểu để trường nhận đăng ký xét tuyển của thí sinh. “May mắn, em vẫn kịp “quay xe” để đăng ký vào Học viện Bưu chính viễn thông và trở thành sinh viên của trường”, Mạnh Tuấn bộc bạch.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, một số thí sinh, phụ huynh vẫn “lơ mơ”, nhầm lẫn về điểm sàn với điểm trúng tuyển. Chị Trần Thị Minh Thu ở Hà Nam đặt câu hỏi: “Nếu con có số điểm bằng điểm sàn mà trường đại học công bố. Vậy có phải con tôi đã đủ điểm trúng tuyển vào trường hay không?”.
Thực tế, đây là băn khoăn của nhiều người nên được Ban tư vấn giải thích rõ ràng, tường minh: Điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Đây là mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường đại học nên chưa phải điểm chuẩn đầu vào. Nếu điểm chuẩn đầu vào bằng điểm sàn thì con chị Minh Thu đủ điều kiện trúng tuyển. Còn điểm chuẩn cao hơn điểm sàn thì con chị Minh Thu không thuộc danh sách trúng tuyển.
Năm nay, sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng loạt cơ sở giáo dục đại học công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ngày 18/7, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 cho 63 ngành đào tạo. Mức điểm này dao động từ 16 - 19 điểm tùy ngành; riêng nhóm ngành Khoa học sức khỏe sẽ áp dụng ngưỡng điểm do Bộ GD&ĐT quy định.
Chiều 17/7, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo điểm nhận đăng ký xét tuyển đại học chính quy là 20 điểm. Điểm này chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có). Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ GD&ĐT (đối với nhóm ngành Khoa học sức khỏe, Đào tạo giáo viên), các đơn vị ra thông báo điểm ngưỡng theo ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo (tối thiểu bằng điểm ngưỡng do ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ GD&ĐT quy định).
Điểm sàn xét tuyển cho các ngành đào tạo năm 2024 của Học viện Hàng không Việt Nam dao động từ 16 - 20 điểm. Còn với Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, mức điểm này dao động từ 18 - 21 điểm (tùy ngành).
TS Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh, điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để đăng ký xét tuyển vào trường đại học. Điểm chuẩn vào trường sẽ được công bố sau đó. Do vậy, thí sinh lưu ý, điểm sàn mới là điều kiện cần, chưa phải đủ.
Việc các cơ sở đào tạo đặt ra điểm sàn nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giúp thí sinh có căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương khuyến cáo, cần phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển nhằm tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển. Do tính chất khác nhau nên thông thường, điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường đại học vượt xa điểm sàn. Không ít thí sinh “vỡ mộng” khi trường công bố điểm trúng tuyển cách xa điểm sàn từ 6 - 9 điểm.
Năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) dao động từ 26,8 - 28,3 điểm, trong khi điểm sàn 20 điểm. TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo tư vấn, thí sinh không nên căn cứ vào điểm sàn để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thay vào đó, các em cần tham khảo điểm chuẩn những năm trước của ngành/trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển.
Ngoài ra, thí sinh tìm hiểu về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của ngành/trường đại học đó… Sau khi nghiên cứu, cân nhắc nhiều yếu tố, các em thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).
Để đăng ký nguyện vọng xét tuyển, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội khuyên thí sinh dựa vào 2 yếu tố: Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây của các trường mà bản thân đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì thế, các em nên mạnh dạn chọn những ngành/trường học yêu thích và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin và xác nhận thí sinh trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Tại chương trình tư vấn với chủ đề “Những điều cần làm ngay sau khi thi tốt nghiệp THPT”, ThS Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh lưu ý, để tránh “mắc bẫy” điểm sàn, thí sinh cần tham khảo sự chênh lệch giữa điểm này và điểm chuẩn năm 2023 của các trường. Các em cần tìm hiểu chỉ tiêu năm nay của ngành học trước khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống.
Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, Hệ thống chính thức mở để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) khuyến cáo, thí sinh không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà dàn trải “danh mục đầu tư nguyện vọng” của mình để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, các em cần lưu tâm đến tiêu chí phụ hoặc những điều kiện sơ tuyển mà cơ sở giáo dục đại học đề cập trong đề án tuyển sinh.