Ngày 19/7, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại quy định khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự.
Động thái này được C03 đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, rộng hơn 6.200 m2.
Hiện, cơ quan điều tra chưa công bố hành vi vi phạm cụ thể của bà Loan. C03 cho biết đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can trong vụ án, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra các sai phạm khác của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân có liên quan để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Liên quan đến vụ án, hôm 15/7, C03 đã bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hồng, cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM, cựu Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến nay, ít nhất 17 người đã bị khởi tố.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai bị khởi tố là tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế.
Theo đó, Điều 219 Bộ luật hình sự quy định như sau: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Nếu phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm (khoản 3).
Tội danh này áp dụng xử lý đối với người có chức vụ quyền hạn trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn định, về giá cả và các phương thức quản lý dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, lãng phí tài sản của Nhà nước mà không đòi hỏi bắt buộc yếu tố vụ lợi, không có yếu tố chiếm đoạt tài sản.
Theo bà Thơ, tội danh có cấu thành vật chất, tức là một người được coi là hoàn thành tội phạm kể từ khi thực hiện một hành vi quy định trong điều luật với một số lượng, giá trị vật chất cụ thể.
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, tức là họ nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm của hành vi đó và mong muốn hoặc cam chịu hậu quả đó xảy ra.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Nghĩa là người thực hiện hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hậu quả gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Nếu hậu quả xảy ra thấp hơn mức quy định trên, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…