GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài K.X04.20/21-25; TS.Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc thực hiện Đề tài KX.04/21-25 đã tạo cơ hội, động lực cho các nhà khoa học, các giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung, các nhà khoa học ở các đơn vị nghiên cứu nói chung đề xuất các phương pháp nghiên cứu mới, nhằm có những đánh giá mang tính toàn diện về quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
"Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên kiến nghị các chính sách, giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn trong giai đoạn tới", GS.TS Phạm Văn Cường nhấn mạnh.
TS.Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng, Hội thảo sẽ cung cấp các luận cứ khoa học, từ đó kiến nghị tới Đảng, Nhà nước những vấn đề về cơ hội, thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, góp phần chuẩn bị những tài liệu quan trọng tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Với tham luận: "Một số khuyến nghị phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu", đại diện nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Thanh Lâm; PGS. TS. Nguyễn Văn Lộc; TS. Lê Phương Nam; ThS. Nguyễn Mạnh Hiếu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang hiện hữu, các biểu hiện của BĐKH diễn ra vô cùng phức tạp, khó dự đoán. Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hàng nghìn người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.
Trong khi đó, cơ chế chính sách thúc đẩy thích ứng BĐKH còn hạn chế và chồng chéo. Việc có rất nhiều chính sách, chương trình hành động, các chương trình dự án vô hình chung có thể tạo ra sự thiếu đồng bộ trong việc thực hiện các biện pháp khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH. Nguồn lực các cơ quan chuyên trách giám sát nông nghiệp thích ứng BĐKH vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như hệ thống chính sách còn chưa hoàn thiện, chồng chéo, cơ sở dữ liệu về BĐKH chưa hoàn chỉnh, cơ chế chia sẻ thông tin và các thiết chế quản lý hoạt động thích ứng BĐKH còn hạn chế,...
Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị một số giải pháp như: Rà soát và xây hệ thống chính sách, cơ chế thống nhất trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng BĐKH; Xây dựng hệ thống cảnh báo các tác động của biến đổi khí hậu không chỉ cho người dân mà còn cho các cấp chính quyền.
Thách thức đô thị hóa với nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Tại Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Trần Mạnh Hải (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng chỉ ra những cơ hội của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh.
Theo đó, đô thị hóa đóng vai trò quan trọng trong thành công của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, với tỷ lệ dân số sống ở các thị trấn và thành phố tăng từ ít hơn 20% năm 1990 lên hơn 38,1% vào năm 2023. 10 năm gần đây, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 lên 42% năm 2023.
Tuy vậy, quá trình đô thị hóa hiện nay chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, thiếu tính kết nối liên vùng và giữa các lĩnh vực làm giảm hiệu quả khai thác, vận hành. Đất nông nghiệp thu hẹp nhanh, áp lực lên sản xuất nông nghiệp bền vững.
Quá trình đô thị hóa còn khiến mai một giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc nông thôn. Một số sản phẩm, loại hình văn hóa, quan niệm, lối sống, cách ứng xử, làm ăn... không phù hợp, thậm chí trái ngược, đối lập với thuần phong mỹ tục, với những giá trị tốt đẹp; bào mòn và làm rạn nứt những quan hệ tốt đẹp, đồng thuận và thuần phác trong cộng đồng.
Từ thực tế đó, TS.Trần Mạnh Hải kiến nghị cần rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và cả nước đảm bảo thực hiện yêu cầu phát triển hài hòa, gắn kết giữa đô thị và nông thôn; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng nhằm sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phát triển đô thị; Khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất thông qua miễn giảm thuế thu nhập từ sử dụng đất.
Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các đô thị và nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng.
Trong khi đó, TS.Nguyễn Đức Chính (Học viện Chính trị khu vực I) lại chỉ ra những bất cập trong năng suất lao động (NSLĐ) khi NSLĐ nông nghiệp vẫn thấp nhất trong các ngành kinh tế từ mức NSLĐ 48,2 triệu đồng/lao động năm 2019 đã đạt 81,1 triệu đồng/lao động trong năm 2022. Trong khi đó NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2022 đạt 215 triệu đồng/lao động, tăng 19,4 triệu đồng/lao động so với năm 2021, đồng thời là khu vực có mức NSLĐ cao nhất trong 3 khu vực kinh tế; khu vực dịch vụ đạt 199,2 triệu đồng/lao động, tăng 10,9 triệu đồng/lao động.
"Hệ thống đào tạo của ngành nông nghiệp cần cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường; cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách từng bước xây dựng đôi ngũ nông dân chuyên nghiệp, có phương án giữ chân và thu hút lao động trẻ", TS. Nguyễn Đức Chính kiến nghị.
Báo cáo về quá trình chuyển đổi số với nông nghiệp, nhóm nghiên cứu: Ngô Minh Hải, Nguyễn Minh Đức, Trần Thị Thu Hương, Nguyễn Hữu Nhuần cho biết, một trong những điểm nghẽn của quá trình chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay là hạ tầng kết nối chưa đồng bộ và chi phí sử dụng các mạng 3G, 4G vẫn cao, đặc biệt là với các hộ khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa; thiếu các ứng dụng/nền tảng quản lý sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng của các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX và nông dân. Người dân nông thôn, đặc biệt là nông dân, còn thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng và sử dụng các công nghệ số.
Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nông dân số, trang trại số, HTX số; thay đổi tư duy, nâng cao năng lực về công nghệ thông tin, công nghệ số; khuyến khích thị trường các nền tảng, ứng dụng số phù hợp với nông dân, bảo đảm an ninh mạng; xây dựng các mô hình về chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
PGS.TS.Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp của Việt Nam là nền nông nghiệp mở, dư địa xuất khẩu lớn, do vậy, để xuất khẩu nông, lâm thủy sản đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường thế giới, yêu cầu của người tiêu dùng và những thay đổi này diễn biến rất nhanh chúng ta phải đứng trước sự lựa chọn, không chỉ sản xuất đáp ứng đủ về số lượng (thực tế, chúng ta đã thành công trong việc cải thiện, nâng cao năng suất) nhưng phải đảm bảo chất lượng nông sản để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phải làm ra những loại nông sản có chất lượng và phát thải thấp, không những thế còn phải đảm bảo dinh dưỡng cho người dân.
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh, Hội thảo đã tạo diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong và ngoài Học viện thảo luận nhằm tìm ra các nút thắt trong triển khai các quan điểm, chính sách phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian qua. Những nhằm đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được tổng hợp để gửi tới các ngành chức năng để có thêm những luận cứ khoa học, định hướng cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai.