Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Tin buồn này được phát đi vào chiều ngày 19/7 khiến hàng chục triệu con tim người Việt không khỏi bồi hồi, xúc động. Với Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Túc cũng vậy.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Túc cho biết, cả đêm ngày 19/7 ông không thể nào chợp mắt sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Ông Nguyễn Túc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quen nhau đến 51 năm - hơn nửa thế kỷ. Tất cả những kỷ niệm, những ký ức về Tổng Bí thư cứ tuần tự, tuần tự trở về trong tâm trí của vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Lần đầu ông Nguyễn Túc làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là năm 1971. Khi ấy Tổng Bí thư đang là Biên tập viên của Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
Ông Nguyễn Túc lúc đó là thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt (1 trong 7 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, 1 trong 4 đồng chí lãnh đạo chỉ đạo cuộc Cách mạng Tháng 8/1945).
Do có công việc nên ông Túc thường xuyên phải làm việc với Tạp chí Cộng sản, đồng thời ông cũng là cộng tác viên của Tạp chí.
"Tính đến nay chúng tôi đã quen nhau đến 51 năm. Hơn nửa thế kỷ qua, không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng chí ở thời đó đều thấy rằng, tuy đồng chí Nguyễn Phú Trọng kinh qua nhiều chức vụ, quyền cao, chức trọng, nhưng tình đồng chí, tình đồng đội, tình bạn bè không có thay đổi, vẫn đầm ấm như xưa. Không bao giờ đồng chí nghĩ mình là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hay người có quyền có chức mà coi nhẹ anh em" – ông Nguyễn Túc nói.
Không những thế, theo ông Túc, đặc biệt những người bạn cùng học ở trường cấp 2, cấp 3 ở Trường Nguyễn Gia Thiều và Đại học Tổng hợp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có nhận xét chung "đấy là một con người đáng quý".
Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, là người con của Thủ đô, phong cách của người Thăng Long đã in đậm vào trong con người Tổng Bí thư nên đồng chí rất dễ gần, thoải mái, cởi mở và tình cảm.
Về sau này, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở những vị trí lãnh đạo cấp cao, ông Nguyễn Túc ít gặp hơn. Tuy nhiên, theo ông Túc, mỗi lần thấy ông ở hội nghị đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều gặp, có lúc "trách nhẹ": "Sao dạo này bác ít khi đến gặp tôi". Ông Túc thật thà bảo rằng: "Tôi sợ đồng chí nhiều công việc bận quá nên không muốn làm phiền". Ông Túc bảo, do ông hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 7 tuổi nên Tổng Bí thư thường xưng hô gọi ông Túc là "bác".
Nhớ về những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Túc cho biết, có đợt một đoàn Việt kiều ở nước ngoài về, họ quý, có biếu đồng chí Tổng Bí thư cặp rượu ngoại và nhờ ông chuyển hộ.
Lúc này ông gọi điện cho Thư ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày và đề nghị được chuyển rượu lên. Sau khi đồng chí Thư ký xin ý kiến Tổng Bí thư và truyền đạt lại bảo ông Túc uống hộ.
Bởi nếu chuyển rượu đến, các cơ quan kiểm soát phải mở chai rượu ra, thẩm định đủ các thứ thì mất thì giờ của cơ quan nhà nước. Và hơn nữa, Tổng Bí thư không phải người mê rượu "nên nhờ bác uống hộ tôi".
Một kỷ niệm khác cũng in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Túc, đó là lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rỉ tai cảm ơn ông vì ông dám nói thẳng, nói thật.
Theo lời kể của ông Túc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trước đây từng là Tổ trưởng Tổ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X của Đảng, khi đó ông Túc là tổ viên, tư cách đại diện Dân vận MTTQ Việt Nam.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X dự kiến bỏ chữ "không nhỏ" khi nói tới đội ngũ cán bộ, đảng viên suy thoái. Trong một cuộc họp, có ý kiến muốn đề nghị được bỏ chữ "không nhỏ" trong ngữ cảnh "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất... Lúc đó với tư cách là thành viên của Tiểu ban thay mặt cho Dân vận MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Túc có một phát biểu thẳng thắn.
"Theo tôi chưa thể bỏ được chữ 'không nhỏ', vì bây giờ họ "ăn" một cách quyết liệt, ăn tập thể…", – ông Nguyễn Túc nhớ lại.
Sau phát biểu này của ông Túc, cũng có một số ý kiến khác với ông nhưng ông Túc khẳng định, ông đã "nói đúng sự thật".
Theo lời ông Túc, đến buổi chiều cùng ngày, khi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đọc báo cáo về công tác xây dựng Đảng đã nêu ra một loạt những vi phạm, trong đó có những vi phạm rất mới.
Đặc biệt báo cáo của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (lúc đó là bà Nguyễn Thị Doan) cũng đề cập, đội ngũ cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị vi phạm kỷ luật "trong nhiệm kỳ vừa qua tăng gấp rưỡi so với các nhiệm kỳ khác".
Thời điểm này, đồng chí Nông Đức Mạnh (khi đó là Tổng Bí thư) nói "thế thì bỏ làm sao được chữ "không nhỏ".
Ông Túc nhớ lại, cũng trong chiều hôm đó, khi ăn cơm xong, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã "rỉ tai" ông và nói: Rất cảm ơn bác. Phải có những người dám nói thẳng, nói thật, nói trung thực và nói xây dựng như bác thì Đảng ta mới nắm chắc được tình hình. "Qua câu chuyện này, tôi thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một người rất mềm mỏng. Tức là có những ý kiến thế này thế khác, nhưng đồng chí lý giải, ủng hộ, hoặc không đồng tình thì cũng ứng xử một cách mềm mỏng, không có đao to búa lớn", ông Túc nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Túc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc của thời kỳ đổi mới. Chúng ta bắt đầu đổi mới từ Đại hội VI, Đại hội VII, đến nay đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm đến 7 khóa trong Trung ương, 6 khóa trong Bộ Chính trị và hầu như đều kinh qua các vị trí chủ chốt.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn là một giáo sư về xây dựng đảng nổi tiếng. Sách vở cho kiến thức, cuộc sống dày dạn cho đồng chí kinh nghiệm. Trong kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của các Ban Chấp hànhTrung ương các khóa trước, đặc biệt từ xuất phát điểm của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần rất quan trọng cùng Trung ương điều hành đất nước trong tiến trình đổi mới, tiến lên thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
"Đến hôm nay, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín trong nước và quốc tế như hôm nay, được nhân dân đồng tình ủng hộ thì phải nói rằng có công đóng góp rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào kế thừa và phát huy những kinh nghiệm mà chúng ta nêu ra từ Đại hội VI" – ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Nói về cuộc đời, lối sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Túc đánh giá, Tổng Bí thư sống rất đúng như một người Cộng sản chân chính: Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, điều này được thể hiện rất rõ.
Ông Túc nhìn nhận, Tổng Bí thư là người rất giản dị, khiêm tốn. Từ nhỏ xuất thân từ gia đình thuần nông nghèo nhưng ham học, ham phấn đấu và sớm được kết nạp sớm khi vừa mới 23 tuổi.
Cùng với đó, theo ông Túc, gia đình đồng chí Tổng Bí thư là một gia đình mẫu mực khi không chỉ Tổng Bí thư mà phu nhân, các con của Tổng Bí thư đều có lối sống giản dị, liêm chính.