TAND TP.HCM dự kiến ngày mai (22/7) sẽ tiếp tục phiên xét xử 254 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, TP.HCM và các tỉnh thành khác.
Cáo trạng vụ án thể hiện, tháng 9/2023, ông Đặng Việt Hà khi đương chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam lo sợ hành vi nhận hối lộ bị phát hiện nên chi 100.000 USD nhờ Nguyễn Văn Chung "chạy án". Lại Thái Phong (37 tuổi), cựu Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, trước đây là Phó chánh Văn phòng Cục Đăng kiểm bị bắt về hành vi "Môi giới hối lộ".
Cơ quan công tố cáo buộc, khi công an các tỉnh thành mở rộng điều tra sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa, lo sợ bị phát hiện sai phạm, ông Đặng Việt Hà, lúc này là Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, đã thông qua Phong đưa 100.000 USD cho Chung để lo lót không bị xử lý hình sự.
Khi biết không thể "chạy án", Chung vẫn nhận tiền với mục đích chiếm đoạt tiền của ông Hà. Chính vì lý do này, cáo trạng vụ án thể hiện Đặng Việt Hà vừa là bị cáo, vừa là bị hại.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong một vụ án hình sự, một người có thể tham gia vụ án với nhiều tư cách như vừa là bị can, vừa là người bị hại; vừa là bị can, bị cáo vừa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…
Trên thực tế, luật sư Tuấn cho hay việc một người tham gia một vụ án với nhiều vai trò không phải là điều hy hữu. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng cần phải tách biệt vai trò để xem xét nhằm đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.
"Cụ thể trong trường hợp của Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đang được xét xử, Đặng Việt Hà hiện đang vừa là bị cáo khi bị truy tố, xét xử về hành vi "Nhận hối lộ", vừa là bị hại đối với hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của bị cáo Nguyễn Văn Chung.
Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, ông Hà vẫn sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội danh bị truy tố và được bảo vệ quyền và lợi hợp pháp với tư cách là bị hại đối với khoản tiền 100.000 USD bị chiếm đoạt", luật sư Tuấn phân tích.