Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có hơn 700 năm tuổi. Tương truyền rằng, nghề thêu xuất hiện từ khi vua Trần thắng giặc Nguyên Mông.
Cụ thể, vào thời điểm đó, bà Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy nghề thêu ren cho người dân làng Văn Lâm phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh.
Bà Đinh Thị Nhi (66 tuổi, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) chia sẻ tới Dân Việt: "Nghề thêu Văn Lâm một thời nổi tiếng, nhưng trải qua nhiều biến thiên của lịch sử nên có thời điểm bị lắng đọng. Ông nội tôi là Đinh Kim Tuyến sinh được 6 người con, trong đó có ông Hênh và ông Xoang. Chính 2 bác lên Hà Đông và làm thuê cho bà Lê Thái Tỉnh-một chủ hàng thêu nổi tiếng trên phố cổ Hà Nội.
Với vốn nghề truyền thống sẵn có, 2 ông tiếp thu rất nhanh, học được kỹ thuật thêu rua - ren từ thợ thêu Hà Thành. Thấy 2 anh em thông minh, khéo tay nên bà Tỉnh rất quý, giao cho các đơn hàng lớn chuyên làm cho người Pháp lúc bấy giờ. Sau khi thạo nghề, 2 bác về làng đem tất cả những kỹ thuật học được hướng dẫn cho các thợ thêu lành nghề để thực hiện các đơn hàng lớn".
Từ khi có nghề thêu ren, làng Văn Lâm bước vào thời kỳ hưng thịnh. Cả làng như một công xưởng, nhà nhà làm nghề, người người theo nghề. Kể từ đó đến nay, Văn Lâm có thêm nghề thêu ren và được lưu giữ đến tận bây giờ.
Được biết, từ năm 2023 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Ban Quản lý Làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) tổ chức cuộc thi Bàn tay vàng thêu ren.
Qua 2 lần tổ chức, cuộc thi góp phần phát động phong trào thi đua, động viên, khích lệ các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy tình yêu nghề, giữ gìn, bảo tồn nghề thêu ren. Đây cũng là dịp để các thợ thêu trình diễn những kỹ thuật, kỹ năng làm nghề và giới thiệu tới du khách nét đẹp của làng nghề.
Qua tìm hiểu, nghệ thuật thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải) là sử dụng công cụ thô sơ nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao của người thợ trong từng chi tiết.
Cụ thể, nếu các tác phẩm thêu thông thường quan trọng ở khâu châm nét, giữ mũi thêu cho đều thì thêu bằng chỉ trắng đòi hỏi người thợ phải khéo léo bởi nếu đường thêu thô xấu sẽ dễ bị lộ. Người thợ thêu phải tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ để thổi hồn vào sản phẩm.
Hiện nay, sản phẩm của Làng nghề thêu ren Văn Lâm rất đa dạng và phong phú về chủng loại với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau như: Tranh thêu trắng, thêu màu nghệ thuật, các sản phẩm ren có kỹ thuật và mỹ thuật cao.
Trải qua hàng thế kỷ, đến nay người dân Văn Lâm vẫn lưu giữ nghề truyền thống và phát triển bằng những sản phẩm thêu tay độc đáo có độ tinh xảo cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Từ năm 2019, nhiều sản phẩm của Làng nghề thêu ren Văn Lâm đã được đánh giá là sản phẩm OCOP 4 sao. Tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm của Làng thêu ren Văn Lâm có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh Ninh Bình…
Trao đổi với Dân Việt, bà Chu Thị Hoài Thu-Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải nói: "Trên địa bàn xã Ninh Hải hiện giờ có khoảng 50-70 hộ gia đình đang làm nghề thêu ren, làm nghề thêu ren so với các dịch vụ du lịch khác thì thấp hơn. Bình quân, thêu ren ngày thu nhập từ 150.000-200.000 đồng, nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ…
Theo bà Thu, sản phẩm từ thêu ren Văn Lâm thường xuất khẩu sang các nước châu Âu như: Anh, Pháp…Hằng năm, xã Ninh Hải còn phối hợp với các Trung tâm đào tạo nghề để dạy nghề cho người dân; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Ngoài ra, UBND xã khuyến khích các doanh nghiệp và người dân làm nghề thêu tập trung đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất,… Đặc biệt, các sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch và xuất khẩu; mở rộng liên doanh, liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024, trong đó có nghề thủ công truyền thống - nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao về giá trị, bề dày lịch sử, nét độc đáo riêng có của nghề thêu ren vùng đất gắn liền với di sản Tràng An. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.