Cây lục bình góp phần cải thiện kinh tế đáng kể cho người dân
Từng được xem là loại cây cản trở giao thông thủy, nhưng nhiều năm nay cây lục bình đã góp phần cải thiện kinh tế đáng kể cho người dân ở Đồng Tháp. Nghề thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình từ đó cũng phát triển, không chỉ giúp những người làm nghề đan lục bình có công ăn việc làm, ổn định kinh tế, mà còn góp phần phát triển những nghề dịch vụ trong chuỗi sản phẩm đầu vào, như: Trồng, cắt, phơi khô cây lục bình để bán cho các cơ sở và các tổ đan.
Hiện nay, theo thống kê Việt Nam đứng thứ 2 Châu Á về xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm của Việt Nam có mặt trên thị trường của 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD/ năm. Trong đó, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng
Để đạt được kết quả đó là nhờ nguồn gốc sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường, mềm mại, dẻo dai, giản dị nhưng rất tiện ích, đặc biệt là thích ứng với mọi nhiệt độ trong phòng, nóng không giòn, lạnh không xơ cứng. Chính vì vậy, hầu hết các sản phẩm được làm từ cây lục bình được các công ty thu mua chủ yếu để xuất khẩu.
Ông Vũ Thế Mạnh, Phó Giám đốc Công ty CP Artex Đồng Tháp, cho biết: Công ty Cổ phần Artex Đồng Tháp chuyên sản xuất các mặt hàng nội thất được làm từ cây lục bình, cói... mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 6 triệu USD các sản phẩm từ lục bình, như: Thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon... sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật, Pháp… tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Theo ông Mạnh, khi có các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài, Công ty sản xuất khung sắt theo mẫu và giao xuống cho các tổ đan lục bình trong tỉnh, sau đó thu mua lại. Nhờ đó, giải quyết được lao động nhàn rỗi ở nông thôn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Chị Đặng Thị Lý (công nhân Công ty CP Artex Đồng Tháp), chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình tôi neo đơn, chồng mất sớm, 1 mình tôi đi làm kiếm tiền nuôi con. Trước đây, tôi làm đủ thứ nghề nhưng thu nhập bấp bênh. Nay nhờ vô làm công ty Artex, được đào tạo nghề đan, lương ổn định nên cuộc sống của mẹ con tôi khá hơn trước đây.
Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp ngành hàng thủ công mỹ nghệ
Để đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, Công ty CP Artex Đồng Tháp phải đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn mà khách hàng mong muốn. Ví dụ như công ty chúng tôi hợp tác với tập đoàn AKIA thì chúng tôi phải đáp ứng yêu cầu của họ về dây chuyền ẩn xuất phải đạt GMP… trong tất cả các công đoạn sản xuất phải được kiểm soát về nấm mốc…
"Để có nguồn vốn ổn định phục vụ việc sản xuất, nhiều năm qua công ty đã hợp tác với Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp. Đối với nguồn vốn Agribank luôn rất kịp thời và phù hợp để công ty có thể đáp ứng tốt nhu cầu nguyên vật liệu. Nguồn vốn Agribank rất hiệu quả, lãi suất cạnh tranh đã giúp công ty chúng tôi có điều kiện đầu tư phát triển, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế"- Ông Vũ Thế Mạnh, chia sẻ.
Có thể khẳng định, các công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như công ty CP Artex Đồng Tháp là điểm tựa vững chắc để người dân yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần so với việc chỉ tiêu thụ trong nước. Và để làm được đều này, phải có sự hậu thuẫn về vốn của Agribank cho các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, đẩy mạnh kinh doanh, mở rộng quy mô.
Theo thống kê của Agribank Chi nhánh Đồng Tháp, hiện tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm gần 78% trên tổng dư nợ cho vay.
Có thể nói, với sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của Agribank đã góp phần thúc đẩy nghề đan lục bình tại tỉnh Đồng Tháp phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm phù hợp, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.