Ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực, NHNN cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Với các giải pháp đồng bộ của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Tính đến 31/12/2023, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng hệ thống ngân hàng đã bơm gần 820.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực nào "hút tiền" nhiều nhất?
Thông tin thêm về tín dụng, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đối với tín dụng ở 3 khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...
Riêng tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% trong tổng tín dụng bất động sản; Tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỷ trọng 60%.
Về tỷ giá, ông Tú cho biết điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay: Các ngân hàng thương mại cơ bản đã được phê duyệt tất cả đề án tái cơ cấu. Hiện nay các ngân hàng đang bắt tay thực hiện đề án, kể cả các ngân hàng lớn, ngân hàng Big4.
"Nhìn chung đề án tái cơ cấu đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn toàn làm chủ và kiểm soát, kể cả ngân hàng nhỏ đang được giám sát tăng cường, ngân hàng kiểm soát đặc biệt như SCB đang được kiểm soát tích cực. 3 ngân hàng 0 đồng đang hoàn thiện khâu thẩm định giá và sẽ chuyển giao cho các ngân hàng khác. Đảm bảo mục tiêu kiểm soát an toàn hệ thống, tạo điều kiện cho ngân hàng khác phát triển mạnh mẽ hơn về quy mô…", Phó Thống đốc thông tin.
Về nợ xấu, ông Tú cho biết, đây là vấn đề lớn cần quan tâm, bởi đây là hệ quả của cả quá trình. Ông thừa nhận, nợ xấu đang có xu hướng tăng, nợ nội bảng gần 5%, nợ tiềm ẩn có khả năng trở thành nợ xấu, nợ đang bán VAMC… khoảng 6,9%.
"NHNN sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng", ông Tú nhấn manh
Về giá vàng, Phó Thống đốc cho biết, thị trường vàng là vấn đề nóng trong những tháng vừa qua, giá SJC cao hơn thế giới nhiều. NHNN có 9 phiên đấu thầu nhưng kết quả chưa tích cực. Sau đó, NHNN chuyển đổi bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại. Cơ chế này bước đầu phát huy hiệu quả, bước đầu kiểm soát được giá vàng SJC.
Đến nay chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới qui đổi đã giảm đáng kể. Giá bán vàng miếng SJC trên thị trường trong nước đã giảm mạnh, chênh lệch trên 5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Về lâu dài, NHNN cũng các bộ ngành chức năng nghiên cứu và xây dựng chính sách hợp lý trong thời gian tới.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm
- Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
- Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
-Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
-Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, tạo cơ sở, căn cứ pháp lý để phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn.