Sáng 22/7, chư Tăng và Phật tử chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã lập hương án thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay tại chính điện của chùa. Hàng ngày, các chư Tăng và Phật tử thực hiện các thời khóa tụng kinh cầu siêu để cầu siêu và tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, nhà chùa cũng mở cửa từ 7h30 sáng đến 21h30 để các Phật tử và người dân xung quanh đến thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng tiếc thương tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chia sẻ với Dân Việt, Hòa thượng Thích Thanh Điện - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, hai ngày qua, dù trời mưa khá nhiều nhưng các Phật tử và người dân đều đội mưa đến thắp hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa. Nhiều vị Phật tử lớn tuổi đã rất xúc động khi nhìn thấy di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người không chỉ đến thắp hương bày tỏ lòng thương tiếc mà còn ở lại ngồi niệm Phật để cầu siêu cho Tổng Bí thư.
Vì đang trong mùa An cư kiết hạ nên Ban Trị sự của chùa Quán sứ đều cắt cử các sư tiến hành tụng kinh cầu siêu hàng ngày trước hương án thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Hòa thượng Thích Thanh Điện, hương án sẽ được yên vị tại chính điện của chùa Quán sứ cho đến lúc lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc.
Sáng 23/7, Ban Trị sự chùa Liên Phái (phố Bạch Mai, Hà Nội) cũng đã lập hương án để tưởng niệm và tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh đạo tài ba của Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hương án được lập ngay tại chính điện – không gian trang trọng và linh thiêng nhất của chùa.
Mặc dù sáng nay mưa giông kéo dài nhưng nhiều Phật tử và người dân cũng đã có mặt tại chùa để thực hiện các nghi thức dâng hương, cầu siêu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Hòa thượng Trụ trì. Nhiều Phật tử thể hiện sự xúc động tột cùng khi dâng hương bày tỏ lòng biết ơn và tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 23/7, tại chùa Khai Nguyên (Sơn Tây, Hà Nội) cũng đã diễn ra khóa lễ tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, báo ân các bậc tiền nhân đã có công với đất nước và dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong buổi lễ này, các Phật tử cũng đã được nghe bài pháp thoại từ sư Thích Đạo Tịnh về lòng tri ân – báo ân đối với những bậc có công trong công cuộc xây dựng, đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Học viện Phật giáo Việt Nam, hơn 500 Tăng Ni đã tổ chức khóa lễ cầu siêu, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhất tâm cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà…
Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ với Dân Việt rằng, ông có duyên biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ hàng chục năm trước, khi Tổng Bí thư còn làm việc tại Tạp chí Cộng sản. Mối quan hệ của Hòa thượng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như những người thân thiết, không bị ngăn cách bởi tuổi tác, địa vị xã hội hay cách ngăn giữa đạo và đời.
Năm 2008, tại Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng, Nhà nước về dự và có bài phát biểu rất xúc động tại chùa Yên Tử. Thấy được giá trị của bài viết sâu sắc này, khi xây dựng Cung Trúc Lâm tại Yên Tử, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đã xin phép được khắc bài lược trích phát biểu này trên bia đá trang trọng đặt trước Cung Trúc Lâm và được vị lãnh đạo đồng ý.
Cách đây hai năm, vào ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự lễ khánh thành tấm bia này. Hai năm qua, tấm bia đá với những lời sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút nhiều người tham quan, tìm hiểu khi về với danh thắng Yên Tử. Nó không chỉ giúp người xem hiểu những điều căn cốt về Đức vua Phật hoàng, mà còn cho thấy trí tuệ và "tâm đạo" đáng kính nể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hoà thượng Thích Thanh Quyết xúc động nhắc lại kỷ niệm trong một lần trò chuyện bên lề nghị trường Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ: "Nhà nước thì lấy giáo dục làm quốc sách. Phật giáo của chúng ta cũng phải đặc biệt coi trọng tính giáo dục. Chỉ có giáo dục mới có thể nâng cao trình độ hiểu biết, nhân cách của Tăng Ni Phật giáo, đặc biệt trong thời đại ngày nay".
Biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi còn trẻ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết hiểu rằng, Tổng Bí thư là một người giản dị, liêm khiết... Đó là con người mà việc gì làm được cho dân cho nước đều gắng làm hết sức, còn phần mình chỉ giữ cuộc đời thanh bạch.
"Đó là con người có nhân cách lớn, chỉ làm những việc cho dân cho nước, để lại thành quả là một niềm tin lớn, một cơ đồ lớn cho Nhân dân", Hòa thượng Thích Thanh Quyết nói.