Nghệ sĩ Ưu tú là trai phố cổ, yêu múa rối, 10 năm đứng sau sự lung linh của Táo Quân
Nghệ sĩ Ưu tú là trai phố cổ, tài năng múa rối, 10 năm đứng sau sự lung linh của Táo Quân là ai?
Hà Tùng Long
Thứ ba, ngày 23/07/2024 15:35 PM (GMT+7)
Trong số 157 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú đợt 7 năm 2010, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng là một người khá đặc biệt. Ông vừa là nghệ sĩ múa rối nước, vừa là diễn viên truyền hình, vừa là nhà thiết kế thời trang, vừa là “trùm” trang phục các chương trình Táo Quân trong 10 năm liền.
Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng: 10 năm đứng sau sự lung linh của Táo Quân
Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng sinh năm 1968 trong một gia đình khá giả ở phố cổ Hà Nội. Năm 9 tuổi, ông bắt đầu được tiếp xúc với nghệ thuật múa rối nhưng phải đến năm 18 tuổi mới chính thức trở thành một nghệ sĩ múa rối của Đoàn Múa rối Hà Nội (nay là Nhà hát Múa rối Thăng Long).
Trong lúc Đoàn tạm cho nghỉ việc (vì thừa nhân sự), ông đã có được niềm cảm hứng đến với công việc thiết kế thời trang và giành được nhiều thành công nhờ lĩnh vực này. Ông được nhiều người ưu ái đặt biệt danh "phù thủy của sắc màu" khi có hơn 30 năm sáng tạo và đổi mới không ngừng với các mẫu thiết kế, các bộ sưu tập thời trang trong vai trò nhà thiết kế.
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng cho biết, ông bén duyên với thiết kế thời trang từ năm 1988 nhưng chưa mấy ai biết đến. Đến năm 1992, khi còn là một cậu sinh viên, vì quá ngưỡng mộ tài sắc của người đẹp Vi Thị Đông trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1992 nên ông đã quyết định thiết kế trang phục miễn phí cho thí sinh này.
Trang phục của người đẹp Vi Thị Đông năm đó được Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng lấy cảm hứng từ những mẫu váy quyền quý của các quý bà châu Âu với chiếc nơ dài khổ 60cm vô cùng độc đáo. Chính bộ trang phục Vi Thị Đông mặc trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm đó đã trở thành một hiện tượng thời trang được nhiều cô gái yêu thích, đưa tên tuổi của Đức Hùng lên một tầm cao mới. Sau này, ông cũng gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trong nhiều năm với vai trò là người thiết kế trang phục cho các Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga...
Với Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng, mỗi trang phục đều là kết tinh của sự tinh tế, tỉ mỉ, trau chuốt trong lựa chọn chất liệu, phối hợp màu sắc và kỹ thuật cắt may. Ông luôn đưa vào những bộ trang phục của mình những góc nhìn riêng, vừa hiện đại nhưng cũng thật đậm đà bản sắc truyền thống. Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng từng ghi dấu ấn với nhiều bộ sưu tập áo dài ấn tượng, trình diễn ở các chương trình văn hóa lớn mang tầm vóc quốc gia, quốc tế.
Trong 10 năm qua, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng đồng hành cùng chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân. Ở vai trò nhà thiết kế, ông đã mang tới cho các Táo và các nhân vật của Táo Quân những bộ trang phục đầy màu sắc, cầu kỳ từng chi tiết. Nam nghệ sĩ cho biết, trong suốt nhiều năm làm việc với ê-kíp chương trình, ông coi các nghệ sĩ như anh em một nhà, rất quý mến và trân trọng. Chính điều đó đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng khi bắt tay vào thiết kế các bộ trang phục.
Mỗi một mùa Táo Quân, tôi thường chuẩn bị vải vóc để may trang phục trước đó cả năm, còn bắt đầu lên mẫu, thêu thùa đính kết thì khoảng vài ba tháng. Nhưng điểm khác biệt và hấp dẫn của Táo Quân lại ở tính thời sự cập nhật nên sát ngày diễn mới là lúc khối lượng công việc nhiều nhất và nhiều tạo hình theo kịch bản mới ra đời", Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng chia sẻ.
Gần 10 năm làm "trùm" trang phục Táo Quân, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng luôn hiểu một bộ trang phục thế nào thì hợp với sân khấu, diễn viên cần một bộ trang phục thế nào để hỗ trợ cho diễn xuất và đạo diễn cần truyền tải thông điệp gì qua trang phục. Trang phục sân khấu, cụ thể hơn là trang phục cho chương trình Táo Quân phải hòa quyện được các yếu tố về thẩm mỹ, cá tính nhân vật và câu chuyện thời sự. Vậy nên, Nghệ sĩ Ưu tú Hùng luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết để lên được bộ trang phục ưng ý.
Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng cũng cho biết, trong số các nhân vật của Táo Quân, anh luôn ấn tượng với nhân vật "cô Đẩu" do Nghệ sĩ Nhân dân Công Lý đảm nhận. Nhân vật này hàng năm đều có sự thay đổi phong phú và đa dạng và chính sự thay đổi đó cuốn hút ông. Bản thân ông cũng từng được tham gia một vài vai nhỏ trong Táo Quân 2018, 2023.
U60 vẫn đắm đuối với nghề, làm một lúc nhiều vai
Theo chia sẻ của Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng, lúc đầu, ông định theo ngành Y vì thích "tò mò, khám phá". Tuy vậy bố mẹ ông muốn hướng con trai duy nhất của mình tới ngành nghệ thuật vì lo sợ vất vả. Năm 9 tuổi, ông đi bộ hằng ngày đến sinh hoạt tại lớp kịch nói ở Cung Thiếu nhi Hà Nội và có được niềm đam mê nghệ thuật. Năm 16 tuổi, ông được chị gái cả đưa đi thi tuyển trường Nghệ thuật Hà Nội (nay là trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội).
Thời điểm này, múa rối tại Việt Nam còn rất sơ khai và chỉ là rối cạn. Khi nhiều học viên lớp kịch nói, cải lương đã có sự nghiệp nổi bật, lớp múa rối của Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng vẫn là môn học không thu được sự chú ý. Tuy bị nhiều người "chê", Đức Hùng vẫn quyết định với lựa chọn của mình. Càng học, ông càng mê bởi múa rối là môn nghệ thuật có tính ước lệ rất cao và cho diễn viên sáng tạo một cách thoải mái, hóa thân vào những con vật, nói lời thoại cho những nhân vật không phải là người.
"Tôi yêu nghệ thuật múa rối đến mức thời tiết có lạnh cỡ nào tôi vẫn có thể ngâm mình dưới nước hàng tiếng để biểu diễn cho khán giả xem. Tôi xem đó là một cái nghiệp của mình. Bản thân mình vui khi mình được làm việc. Có thể công việc nhiều khi rất bề bộn khiến cho mình không có thời gian cho bản thân hoặc gia đình nhưng chính công việc đã "nuôi" cảm xúc nghệ thuật cho mình rất nhiều. Nhiều công giúp mình nhận ra rằng mình rất cần cho cuộc sống này và cần phải nỗ lực hơn nữa để làm được nhiều việc ý nghĩa hơn", Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng chia sẻ với Dân Việt.
Nam nghệ sĩ nói rằng, nhiều người bảo tôi là người thừa năng lượng nên cùng một lúc đóng rất nhiều vai trò. Tuy nhiên, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Hùng nói rằng, anh luôn thấy tự hào vì bản thân là một nhà thiết kế kiêm nghệ sĩ biểu diễn lại còn công việc kinh doanh. Ông không dám nhận mình thừa năng lượng gì cả mà vì quá nhiều tình yêu và đam mê với các lĩnh vực đó nên ông mới có thể cáng đáng được ngần đó khối lượng công việc.
"Tôi nghĩ, nghệ sĩ thì không có tuổi. Kể cả sau này tôi 60, 70 hoặc 80 mà vẫn còn sức để làm việc và có thể làm tốt được công việc của mình thì tôi vẫn "tham" như thế. Và tôi cũng mong mọi người hãy "tham" như tôi vì như thế sẽ cống hiến được nhiều điều cho nghệ thuật. Với tôi, đó là một sự tham đáng yêu, đáng trân trọng. Tôi thích một nghệ sĩ yêu đắm đuối và sống chết với nghề nghiệp mình đã theo.
Tôi bước chân vào nghệ thuật từ năm 16 tuổi và đến ngoài 50 tuổi tôi vẫn yêu đắm đuối nghiệp diễn của mình. Nghĩa là tôi của 40 năm về trước và tôi của bây giờ không có gì thay đổi. Vẫn tràn trề nhiệt huyết và hừng hực tính nghệ sĩ. Tôi nghĩ, thế hệ nghệ sĩ đi trước cần phải cống hiến, đam mê, khát khao… như thế mới truyền "lửa" được cho các nghệ sĩ trẻ đi sau", Nghệ sĩ Đức Hùng nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.