Dân Việt

Lê Đức Phát - VĐV cầm cờ của đoàn TTVN và cú "lội ngược dòng" tới Olympic 2024

Lê Minh 26/07/2024 06:10 GMT+7
Cách đây gần 3 tháng, khi Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) công bố Lê Đức Phát giành suất chính thức dự Olympic 2024, anh thừa nhận đó như một giấc mơ có thật!

Lê Đức Phát và "cú nước rút" thần kỳ giành vé dự Olympic

Rạng sáng 27/7 (giờ Việt Nam), Olympic 2024 sẽ khai mạc trên dòng sông Seine lãng mạn của thủ đô nước Pháp.

Đâu là lần đầu tiên trong lịch sử, Lễ khai mạc của một đại hội thể thao không tổ chức tại sân vận động. Các đoàn sẽ diễu hành trên thuyền khoảng 6km đi dọc sông Seine. Cua-rơ Nguyễn Thị Thật và tay vợt Lê Đức Phát là hai VĐV vinh dự đứng đầu mũi thuyền cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN).

Lê Đức Phát - VĐV cầm cờ của đoàn TTVN và cú "lội ngược dòng" tới Olympic Paris 2024- Ảnh 1.

Lê Đức Phát chia sẻ dòng trạng thái tự hào khi được góp mặt so tài tại Olympic Paris 2024. Ảnh: FBNV

"Tôi rất vinh dự, tự hào khi được chọn là người được cầm cờ của đoàn TTVN diễu hành tại Lễ khai mạc Olympic 2024. Tôi sẽ cố gắng thể hiện thật tốt, thi đấu thật tốt để không phụ sự kỳ vọng của mọi người dành cho mình", Lê Đức Phát trao đổi cùng Dân Việt.

Trên trang cá nhân, Lê Đức Phát bày tỏ cảm xúc: "Tất cả như một giấc mơ. Để có thể đứng được ở đây là sự cố gắng không biết mệt mỏi suốt hơn 1 năm qua và sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình, các bác, các chú lãnh đạo và tất cả mọi người yêu thương và theo dõi Phát, Cảm ơn tất cả mọi người rất nhiều".

Trở lại những ngày tháng phải thực sự "chiến đấu" với hơn 100% sức lực để có thể chạm tay vào tấm vé dự Olympic, Lê Đức Phát từng bày tỏ với Dân Việt:

"Nhìn lại hành trình đã qua, tôi có cảm giác như một giấc mơ thành hiện thực. Tôi đã rất quyết tâm cho mục tiêu giành vé dự Olympic Paris 2024. Từ việc nằm ngoài tốp 300 thế giới khi bắt đầu mùa giải năm 2023, tôi đã có mặt trong tốp 80 thế giới.

Nhưng chấn thương trong vòng ba tháng từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 đã khiến tôi rớt hạng ngoài 90 thế giới và ngoài tốp 40 trong cuộc đua "Đường tới Paris", trong khi BWF chỉ lấy 34 VĐV dự Thế vận hội.

Tôi từng rất bi quan và định "buông" mục tiêu Olympic. Nhưng rồi với sự động viên của gia đình, của Liên đoàn cầu lông Việt Nam, tôi đã tập trung thi đấu giải cầu lông quốc tế International Challenge 2024 hồi đầu tháng 2 năm nay và đạt mục tiêu vào tứ kết. Điều đó đã giúp tôi có thêm động lực "còn nước còn tát", cố gắng hết mình để dù có giành vé dự Olympic hay không cũng không phải hối tiếc".

Lê Đức Phát bộc bạch anh đã chịu rất nhiều áp lực khi trở lại thi đấu sau chấn thương: "Nhìn tưởng đơn giản nhưng để "nhích" được khoảng 10 bậc trên bảng xếp hạng "Đường tới Paris" vô cùng gian nan.

Lý do là bị rớt thứ hạng khiến tôi không được dự giải vô địch châu Á 2024 (đại diện cầu lông Việt Nam ở nội dung đơn nam là Nguyễn Hải Đăng - PV). Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của tôi đều tham dự các giải vô địch châu Âu, vô địch châu Á... và tích lũy được rất nhiều điểm từ giải vô địch các châu lục.

Không còn cách nào khác, trong vòng hai tháng từ tháng 2 đến tháng 4, tôi di chuyển, thi đấu liên tục 7 giải nước ngoài ở cấp độ Challenge, Super 100 để cố gắng tích lũy càng nhiều điểm càng tốt.

Danh hiệu vô địch giải cầu lông International Challenge 2024 tại Uganda cuối tháng 2 giúp tôi có thêm 4000 điểm và tự tin hơn hướng tới Olympic.

Giải đấu quốc tế cuối cùng của tôi là giải Kazakhstan International Challenge 2024 đầu tháng 4/2024, tôi đặt mục tiêu vào chung kết, nếu có thể thì lên ngôi vô địch thì mới tương đối chắc suất dự Olympic.

Nhưng cuối cùng, tôi đã phải dừng bước ở bán kết. Lúc đó tôi nghĩ chắc mình không được dự Olympic rồi, nhưng kết quả cuối cùng tôi lại có vé. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, vậy là bao nhiêu nỗ lực của mình cũng đã gặt hái được thành quả xứng đáng".

Lê Đức Phát - VĐV cầm cờ của đoàn TTVN và cú "lội ngược dòng" tới Olympic Paris 2024- Ảnh 3.

Lê Đức Phát (chính giữa) chụp ảnh lưu niệm với kiều bào Việt Nam tại Ba Lan. Ảnh: NVCC

Khi Dân Việt đặt câu hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hai tháng du đấu nước ngoài, "chạy nước rút" tới Olympic, Lê Đức Phát chia sẻ:

"May mắn cho tôi mỗi khi thi đấu ở nước ngoài luôn nhận được sự cổ vũ, động viên của kiều bào ta. Đáng nhớ nhất là khi tôi dự giải Ba Lan mở rộng 2024 hồi trung tuần tháng 3. Do di chuyển, thi đấu liên tục nên ở Ba Lan tôi đã bị sốt. Kiều bào ta ở Ba Lan rất đông nên đã giúp đỡ tôi mua thuốc, đồ ăn, đưa đón tôi đi tập luyện, thi đấu, tới sân cổ vũ cho tôi rất nhiều.

Thời điểm đó, nếu không được mọi người ủng hộ, "tiếp lửa" có lẽ tôi đã không thể đi tới cùng hành trình của mình khi cảm thấy cơ thể của mình đã mệt mỏi rồi. Việc vào tứ kết giải Ba Lan là bước đệm quan trọng đưa tôi tới Olympic".

Theo lịch thi đấu, các trận đấu đầu tiên nội dung đơn nam cầu lông Olympic 2024 sẽ khởi tranh ngày 27/7. Tại bảng K đơn nam, Lê Đức Phát (hạng 71 thế giới) sẽ gặp Fabian Roth (Đức, hạng 83 thế giới). Đây là đối thủ mà Phát từng thắng 2-0 (21-17, 21-19) ở vòng 1 Giải Ba Lan mở rộng cuối tháng 3/2024. Đối thủ còn lại của Lê Đức Phát là Prannoy Haseena (Ấn Độ, hạng 13 thế giới).

Theo điều lệ, nội dung đơn nam Olympic Paris 2024 có sự tham dự của 41 VĐV, chia làm 13 bảng (11 bảng có 3 VĐV, 2 bảng có 4 VĐV). Kết thúc vòng bảng thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt, các tay vợt dẫn đầu mỗi bảng sẽ giành quyền vào vòng loại trực tiếp.

Đặc biệt, người dẫn đầu bảng A, E, P sẽ may mắn đi thẳng vào tứ kết. Còn 10 người dẫn đầu 10 bảng còn lại chia cặp đấu chọn 5 suất còn lại vào tứ kết.

Mục tiêu thiết thực nhất của Lê Đức Phát là thắng Fabian Roth và thể hiện hết những phẩm chất tốt nhất của mình trước Prannoy Haseena. Nếu có thể thắng Prannoy Haseena để lọt qua vòng bảng thì đó thực sự là một thành tích nằm ngoài mong đợi của Đức Phát.

"Đời VĐV, ai cũng có ước mơ một lần giành vé dự Olympic. Tôi đã có được vinh dự đó nên sẽ cố gắng thể hiện hết mình, thi đấu thật tốt, không chỉ giao lưu học hỏi, mà đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng", Đức Phát thể hiện quyết tâm cao độ.

Lê Đức Phát sinh năm 1998 trong một gia đình có truyền thống thể thao. Cha anh là VĐV boxing Lê Văn Đức từng vô địch quốc gia năm 1988, 1989:

"Năm học lớp 1, tôi đã theo cha và các chú trong xóm đi chơi cầu lông. Đó là những ngày đầu tiên tôi biết đến cây vợt. Càng chơi càng say mê và tôi đã giành được những tấm HCV giải trường, giải huyện và tỉnh Đồng Nai.

Trong thời gian đó, có lúc cũng đi tập boxing theo nghiệp cha nhưng không có năng khiếu nên bỏ dở. Năm 16 tuổi tôi mới chính thức tập chuyên nghiệp trong màu áo Quân Đội. Ba năm sau, tôi giành được HCV giải cầu lông YONEX SUNRISE Pakistan International Series 2017 – giải quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp.

Cũng trong năm 2017, tôi còn giành được 1 HCĐ giải quốc tế Nepal, đó là những kỷ niệm tuyệt vời, giúp tôi tự tin hơn nhiều trên hành trình theo đuổi niềm đam mê", Lê Đức Phát tâm sự với Dân Việt khi nhìn lại 10 năm "ăn cầu lông, ngủ cầu lông".

Với chiều cao 1,86m cùng chuyên môn tốt, Lê Đức Phát đáng ra đã có thể đã tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình nếu không bị chấn thương thường xuyên đeo bám.