Dân Việt

Nhớ lời dặn của Tổng Bí thư - Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!

Phan Văn Lâm 25/07/2024 14:00 GMT+7
"Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút.

Trải qua gần 15 năm làm báo, nghiên cứu chính sách, pháp luật của đất nước, tôi đã được chứng kiến nhiều sự đổi thay về chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn vừa qua. Nhưng một trong những điều tôi đặc biệt quan tâm đó là dấu ấn nổi trội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ba nhiệm kỳ (XI, XII và XIII) làm Tổng Bí thư vừa qua với khoảng thời gian 13 năm.

Chừng đó thời gian đủ để chúng ta hiểu về ông, người chiến sĩ cách mạng tận tụy, kiên trung, tấm gương sáng về đạo đức và luôn nêu cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng, tiêu cực để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay khi nắm quyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào trong văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Thực tế cho thấy phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đều đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương - mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng.

Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, trong 10 năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh; thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".

Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, niềm tin của nhân dân với Đảng đã được củng cố và qua đó, Đảng ta đã bác bỏ được các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". Và đặc biệt, không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại.

"Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm", Tổng Bí thư đúc rút.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa; phải làm triệt để; xem xét, xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, trì trệ, làm cho có ví dụ, bỏ dở giữa chừng, chờ cho hết thời hạn rồi dừng.

Trong bài phát biểu của mình về phòng chống tham nhũng, ông nói: "Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây".

Như vậy để thấy rằng tư tưởng vì sự nghiệp chung của đất nước đối với Tổng Bí thư là trên hết, ông yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến tốt hơn nữa, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; phải thực sự trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng trong đấu tranh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta thấy một tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đảng luôn luôn được quan tâm sát sao.

Ông luôn căn dặn, cảnh báo: "Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào, tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế". Nói vậy để thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất coi trọng vấn đề đạo đức người cán bộ, đảng viên khi đánh giá "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống"…

Tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 22/1/2018, Tổng Bí thư đã rất kiên quyết và thể hiện tinh thần chỉ đạo sâu sát và xuyên suốt: "Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm", "Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm", "Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng".

Nhớ lời dặn của Tổng Bí thư - "Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất"- Ảnh 3.

Lễ thượng cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình sáng ngày 25/7, ngày đầu tiên của Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ngọc Hải

Hay việc thể hiện tinh thần nêu gương trong phòng chống tham nhũng từ cấp cao nhất, quyết liệt nhất "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn"; "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy"…

Ngoài những vấn đề ở cấp vĩ mô, Tổng Bí thư cũng rất quan tâm tới những cán bộ, đảng viên hàng ngày làm việc trực tiếp với nhân dân có những biểu hiện sai trái, tiêu cực: "Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn", để muốn nói rằng, từ những tiêu cực nhỏ rồi tiến dần lên tham ô, tham nhũng lớn và hình thành nên thói quen xấu làm hại dân, hại nước.

Những đóng góp cho công cuộc phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô cùng lớn lao. Những nỗ lực này cũng đã củng cố lại niềm tin cho nhân dân, chỉnh đốn lại đảng viên, tổ chức đảng, giảm thất thoát ngân sách đất nước cũng như giúp môi trường kinh doanh lành mạnh hơn… đó là những điều ai cũng nhận thấy.

Như vậy có thể nói rằng người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc xây dựng Đảng và phát triển đất nước. Trong đó dấu ấn phòng chống tham nhũng, tiêu cực là tiêu biểu, rõ nét nhất.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và xin được nhắc lại lời ông nói như chính con người ông, mộc mạc, giản dị và thanh liêm thay cho lời kết: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".