Tuyên chiến với "vấn nạn" né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Nguyễn Tuyền Thứ ba, ngày 11/06/2024 08:00 AM (GMT+7)
Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào GDP đạt xấp xỉ 30% nhưng nhiều doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Việc không ít lãnh đạo doanh nghiệp “an phận thủ thường”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là một trong những lý do cản trở "sức bật" của DNNN.
Bình luận 0

LTS: Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tuần trước, ĐBQH - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong triển khai các công việc nói chung và các dự án giao thông nói riêng.

"Chính sách là con người, tổ chức thực hiện là con người, lãnh đạo cũng là con người. Nhiều lúc tôi chia sẻ thay vì làm nhiều việc thì làm một việc là thay người mà rất hiệu quả", Thủ tướng nói và dẫn chứng ở một số đơn vị như Đường sắt Việt Nam (VNR), Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thay một số nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo đã tạo ra hiệu quả đáng kể trong công việc.

Nhân phát biểu của Thủ tướng, Báo Dân Việt triển khai loạt bài "Thay vì làm nhiều việc, chỉ cần thay tướng" - Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước "lột xác" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước sau khi có những thay đổi về mặt thượng tầng; cùng các chuyên gia phân tích và đưa ra một số giải pháp để giúp các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước có thể hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó gồm 478 DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các DNNN là lực lượng quan trọng đang nắm giữ khối tài sản rất lớn khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng.

Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty chung "mái nhà" Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (do Ủy ban trực tiếp đại diện vốn chủ sở hữu), đang nắm giữ số vốn lớn với tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ thuộc 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 904.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023; tổng tài sản ước đạt 1,616 triệu tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đạt tổng doanh thu là 1,136 triệu tỷ đồng. Nếu loại trừ EVN, lợi nhuận trước thuế mang về của các doanh nghiệp này năm trước vào khoảng 2,18 tỷ USD.

Tuyên chiến với "vấn nạn" né tránh, đùn đẩy trách nhiệm - Ảnh 1.

Tổng vốn chủ sở hữu của công ty mẹ thuộc 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 904.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023

Khối tài sản nhà nước "khổng lồ", gắn với đó câu chuyện nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch, Tổng giám đốc/Giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, luôn xuất hiện trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Chính sách là con người, tổ chức thực hiện là con người, lãnh đạo cũng là con người. Nhiều lúc tôi chia sẻ thay vì làm nhiều việc thì làm một việc là thay người mà rất hiệu quả". Đây là lời nói thật lòng và cũng là tâm tư của người đứng đầu Chính phủ trước hiện trạng có không ít cán bộ có quyền nhưng không muốn làm, là lãnh đạo quyết định nhưng lại đùn đẩy vấn đề do cơ chế, do quy trình mà ra. Điều này khiến nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 ở trong trạng thái khó khăn, ngột ngạt dù hàng loạt chính sách hỗ trợ được đưa ra.

Không chỉ DNNN, với các doanh nghiệp nói chung, "tướng" có giỏi nhưng thiếu tính chủ động, sáng tạo, không dám nghĩ, dám làm và đặc biệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thì cho dù có được "bơm" vào nhiều vốn, cũng không thể mang lại giá trị tương xứng, thậm chí "cản" đường phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Đường sắt, EVN hay PVN được người đứng đầu Chính phủ lấy làm "gương" cho thấy hoạt động có hiệu quả sau khi "thay một số người", nhưng 3 "ông lớn" này chỉ là "hạt cát" trong "sa mạc" hàng trăm doanh nghiệp nhà nước hiện nay, trong đó đó số doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đã bỏ ra có lẽ không phải là con số ít".

Bản chất doanh nghiệp nhà nước không phải kém hiệu quả như nhiều người nói, thế nhưng có những "trở lực" cần phải tháo gỡ, trong đó có trở lực lớn từ tư duy và hành động của con người trong bộ máy. 

Không phải "tự nhiên" người đứng đầu Chính phủ lại "đau đáu" đối với việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung luôn.

Phải nhìn nhận một thực tế, xu hướng cán bộ, lãnh đạo DNNN sợ sai, sợ vi phạm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không chỉ “nóng” trong dư luận, mà còn là vấn đề được nhắc đi nhắc lại trên diễn đàn của 3 kỳ họp Quốc hội gần đây. 

Hiện tượng hàng loạt văn bản trên đẩy xuống, dưới đẩy lên; không ít hồ sơ, đề xuất cấp bách có tính đột phá địa phương đưa lên phải chịu thua “quy định, quy trình”… Đâu đó vấn đề này đã khiến công tác điều hành nền kinh tế lạc nhịp.

Ngay tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV đang diễn ra, ghi nhận bức xúc của cử tri, nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ nạn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ làm, sợ sai sẽ trở thành “nạn dịch” trong tư duy quản lý và điều hành của doanh nghiệp, của địa phương và bộ ngành.

Trong báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 cụm từ “một số cán bộ, công chức còn chưa chủ động, quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…” đã được nhắc đến hơn 3 lần.

Một số người viện lý do cho "thói hư" này là do Trung ương làm mạnh tay với tham nhũng. Trong đó, việc không ít cán bộ bị bắt giam, truy tố do vi phạm, khuyết điểm đã cổ súy cho quan điểm sống của không ít lãnh đạo có chức quyền rằng: Có làm sẽ có sai nên tốt nhất là “không làm” sẽ "không sai”, chờ “quy trình”, dửng dưng trước sự gấp gáp thiết cấp bách của nền kinh tế, của doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thậm chí đã lo sợ khi phải thốt lên rằng, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã trở thành một “loại dịch” lan rất nhanh!

Tuyên chiến với "vấn nạn" né tránh, đùn đẩy trách nhiệm - Ảnh 3.

Doanh nghiệp nhà nước là bộ phận của nền kinh tế nhà nước, luôn được xác định giữ vai trò chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế quốc dân. Ảnh: ABB

Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia này trao cơ chế đặc biệt để hãng xe điện số 1 thế giới là Tesla xây dựng nhà máy lớn nhất thế giới ở Thượng Hải chỉ trong thời gian vỏn vẹn 11 tháng; đồng thời nước này cũng cho xây dựng khu phức hợp, trung tâm thương mại từ lúc lập kế hoạch đến đi vào hoạt động chỉ 6 tháng...

Chỉ một ví dụ, nhưng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng phải đau xót thừa nhận thực tại: “Người ta làm như vũ bão, còn chúng ta cái gì cũng xin - cho. Không phân cấp, phân quyền; không dám nghĩ, dám làm, cứ đá lên đá xuống thì rất khó. Nếu chúng ta không cải cách nhanh thì nhà đầu tư sẽ đi chỗ khác”.

Đây thực sự là hiện trạng đáng buồn, nó đã và đang kéo giảm động năng của đất nước, làm nhụt ý chí khát vọng khôi phục sản xuất của nhà đầu tư, người kinh doanh.

Phải nói rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghệ 4.0, nơi mà sự vận động bằng trí tuệ nhân tạo, bằng công nghệ thông tin với bước đi nhanh chóng, mau lẹ, không đợi chờ bất kỳ ai.

Trung Quốc đã tận dụng 46 năm mở cửa để thực hiện hàng loạt đột phá lớn về chính sách, cơ chế, trong đó có phát triển khu thương mại tự do như Thượng Hải, Tham Quyến… rồi nhân rộng mô hình này ra các địa phương trong cả nước. Đến nay Trung Quốc đã và đang trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Và thế giới đương đại đang chưa thể hình dung ra viễn cảnh quốc gia Trung Đông Saudi Arabia sẽ thực hiện như nào đối với một dự án được coi là viễn tưởng của nhân loại khi xây dựng một siêu đô thị đường thẳng “The Line” có chiều dài 170 km, vận hành hoàn toàn bằng điện tái tạo, trên sa mạc, trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Một dự án lạ hoắc và không nằm trong bất kỳ trí tưởng tượng của bất kỳ ai nhưng đã và đang được Saudi Arabia khởi công từ năm 2022 và rất có thể khi thành công, đây sẽ là kỳ quan khoa học và xây dựng của thế giới tương lai.

Saudi Arabia không thiếu tiền, nhưng tiền là chưa đủ để họ có thể có khát vọng và quyết tâm làm thật nhanh các công trình đến vậy. Ý chí, khát vọng của con người vượt qua cái nắng khắc nghiệt, bão cát sa mạc mới thúc đẩy họ xây dựng các công trình cho tương lai, để khiến thế giới trầm trồ, thán phục.

Vậy, lý do gì mà chúng ta lại vì một số bộ phận trong bộ máy trì trệ, vì những người "đứng đầu" các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn nhà nước không dám nghĩ, dám làm, không dám chịu trách nhiệm và thiếu tính chủ động, mà kéo lùi sự phát triển, khiến đất nước phải đi sau?

"Tuyên chiến" với với tệ quan liêu, nạn né tránh đùn đẩy trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, trong các bộ phận của kinh tế nhà nước như DNNN là điều nên làm, phải làm và phải làm triệt để. Quốc gia, dân tộc không thể trông đợi vào những cán bộ, những lãnh đạo như vậy!

Tuyên chiến với "vấn nạn" né tránh, đùn đẩy trách nhiệm - Ảnh 4.

Tác giả bài viết, nhà báo Nguyễn Tuyền. Ảnh: DV

Chúng ta có một mục tiêu lớn phía trước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hai mốc thời gian trên cách nay chỉ 6 đến và 21 năm, khoảng cách rất gần, rất sát. Vì vậy muốn đất nước “hoá rồng”, “hoá hổ”, chúng ta rất cần một bộ máy hoạt động trơn tru, những con người làm việc hết tốc lực, tiến về phía trước. 

Chúng ta cần những người đứng đầu tổ chức, bộ máy có ý chí, khát vọng dấn thân dám nghĩ, dám làm cho nhân dân và cho đất nước mới có thể thực hiện khát vọng đổi thay của một dân tộc.

Khoảng cách 20 năm không phải quá dài trong tiến trình của lịch sử dân tộc nhưng đây là khoảnh khắc chứa đựng vận mệnh của dân tộc trước những thời cơ lớn đang đến.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên Cách mạng 4.0, kỷ nguyên mà “tài nguyên” con người sẽ thay thế tài nguyên của tự nhiên trở thành nguồn lực phát triển quốc gia. Việt Nam lại đang được thế giới chú ý đến với năng lực sẵn có về đất hiếm, quy mô dân số trẻ, chịu khó, ham học hỏi và vị trí quốc gia rất quan trọng trên bản đồ địa chính trị kinh tế thế giới.

Con tàu vào tương lai mới đang vận động nhanh, đòi hỏi chúng ta phải nhanh hơn nữa mới có thể bắt kịp đi cùng, nếu không muốn bỏ lại phía sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem