GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, sinh năm 1935 tại Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội. Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục (tên gọi Bộ GDĐT thời điểm trước đó) từ tháng 2/1987 đến 3/1990.
Người tiền nhiệm ông là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và kế nhiệm ông sau đó là GS Trần Hồng Quân. GS Phạm Minh Hạc là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam từ ngày thành lập năm 1989 đến năm 2011. Kể từ tháng 12 năm 2011, ông là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.
Nhằm tri ân GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam, ngày 26/7, Hội Cựu giáo chức Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam”.
Dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục, hội viên Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Đại diện gia đình có PGS.TS Hoàng Anh - phu nhân, người thay mặt cho GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc và gia đình.
Hội thảo nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho sự phát triển lý luận và thực tiễn giáo dục Việt Nam. Đồng thời, thông qua hội thảo tiếp tục phat triển những giá trị khoa học trong các công trình nghiên cứu của GS Phạm Minh Hạc vào thực tiễn đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT hiện nay, góp phần lan toả tấm gương sáng của nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục mẫu mực trong toàn ngành và toàn xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đây là hội thảo đặc biệt, mang tính khoa học, tính thực tiễn, ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa giáo dục và tính nhân văn sâu sắc.
Dành sự trân trọng cho những cống hiến, đóng góp của GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: GS Phạm Minh Hạc là một nhà khoa học, nhà giáo, một nhà quản lý, một chính trị gia, một nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, đã có một khoảng thời gian rất dài và có nhiều đóng góp nổi bật, to lớn cho giáo dục nước nhà.
Với tư cách là nhà quản lý, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt là cương bị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS đã có những quyết sách đổi mới giáo dục vào thời kỳ đất nước đã độc lập thống nhất nhưng cũng là giai đoạn cực khó khăn, giáo dục đầy thách thức. Phương châm chỉ đạo của giai đoạn thử thách đó được GS đề ra là: “giữ vững để không tan vỡ, khôi phục những cái đã mất, củng cố những cái còn lại và phát triển cái cần thiết”. Đó là tinh thần mang tính tình thế, có kế thừa và lựa chọn cái cần làm phù hợp với hoàn cảnh, nó cũng mang tính kế thừa, một tinh thần quan trọng của giáo dục.
Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, GS đã có nhiều đề xuất và chỉ đạo triển khai mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000… Những kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn giáo dục nước nhà của GS hiện vẫn còn nhiều ý nghĩa tham khảo đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, đặc biệt là phát triển nền giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hội thảo khoa học “GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam” nhận được hơn 30 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ cán bộ, giảng viên trong cả nước. Nội dung các tham luận đã khẳng định những đóng góp quan trọng của GS Phạm Minh Hạc.
Phát biểu kết thúc hội thảo, GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam” không phải là để đánh giá về một nhà khoa học lớn trong lĩnh vực giáo dục mà là dịp để tri ân GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển của khoa học giáo dục Việt Nam.
Đó là sự tri ân đối với các công trình nghiên cứu khoa học đã nâng cao nhận thức về các lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học; tri ân về một tầm nhìn chiến lược, toàn diện, khoa học và sâu sắc về giáo dục Việt Nam; tri ân về tình cảm chân thành, thấu hiểu, ân tình của GS Phạm Minh Hạc - một người thầy, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục luôn đau đáu với giáo dục nước nhà.