"Sinh viên chi tiêu bao nhiêu tiền một tháng là đủ? Đăng ký trường đại học nào để phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình?"
Đó là những câu hỏi mà cô Hoàng Hương (ở ngoại thành Hà Nội) băn khoăn nhiều ngày nay, khi con gái chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô Hương cho biết năm nay, con gái cô thi được 25 điểm ở khối C00, dự định đăng ký vào các trường đào tạo ngành sư phạm hoặc khoa học xã hội.
Gần một tháng nay, hai mẹ con đã bàn tính chuyện đăng ký trường nào để phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, mỗi tháng bố mẹ sẽ chu cấp bao nhiêu để con theo học đại học.
Tham khảo các phụ huynh đi trước, cô Hương cho biết nếu đỗ vào Đại học Hải Dương, mỗi tháng, cô dự định cho con khoảng 5-6 triệu đồng. Số tiền này sẽ bao gồm học phí, tiền trọ, ăn uống, đi lại, phát sinh...
So với con gái đầu đã học đại học cách đây 3-7 năm, cô Hương nhận xét tổng chi phí đại học của con gái thứ 2 đã tăng đáng kể.
"Trước đây, cả học phí và sinh hoạt phí, con gái đầu chi tiêu khoảng 2,5-3,5 triệu đồng/tháng, thậm chí con có thể tự thân trang trải khoảng 70%. Nhưng với con gái thứ 2 thì khác, học phí hay phí sinh hoạt đều tăng, bố mẹ phải hỗ trợ nhiều hơn", cô Hương chia sẻ.
Dù vậy, nữ phụ huynh cho rằng nếu đỗ các trường đại học ở Hà Nội, có lẽ mức 5-6 triệu đồng/tháng sẽ không đủ bởi học phí cũng như phí sinh hoạt sẽ cao hơn.
"Có thể con sẽ phải đi làm thêm để thoải mái chi tiêu hơn chút, bởi trong số 5-6 triệu đồng, học phí có thể sẽ chiếm 1/3 hoặc nhiều hơn. Hiện tại con chưa đỗ trường nào nên cũng khó xác định", phụ huynh nói.
Không riêng cô Hương, trước ngưỡng cửa đại học của những sĩ tử sinh năm 2006, câu chuyện chi phí sinh hoạt của sinh viên tiếp tục được đưa ra bàn luận.
Mới đây, trên mạng xã hội, một nam sinh viên đang trọ học ở Hà Nội chia sẻ với các tân sinh viên về việc chi tiêu khi học đại học. Cụ thể, chàng trai chi 1,5-2 triệu đồng cho tiền phòng, 2-3 triệu đồng cho tiền ăn uống, 4-5 triệu đồng cho học phí tại trường và tiền học chứng chỉ. Nam sinh cũng dành 2 triệu đồng cho tiền đi chơi, quần áo và những chi phí phát sinh khác.
Thêm các khoản phí lặt vặt như tiền điện, nước, xăng, Internet, người viết cho rằng mỗi tháng sinh viên cần 8,5-13,5 triệu đồng/tháng (hoặc hơn) mới đủ để chi trả.
Bài viết sau đó nhận được sự chú ý và tranh luận của nhiều người. Nhiều người cho rằng mức chi trên là phung phí, quá cao với sinh viên. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự bất ngờ, "hoảng hồn" khi mức chi phí như vậy.
Dù vậy, không ít người cũng cho biết bảng kê trên không phải vô lý ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, một số khoản vẫn có thể "co kéo" để tiết kiệm.
Nguyễn Việt (sinh viên năm 4 ở Hà Nội) cho rằng với bảng chi trên, nhiều khoản có thể tiết kiệm được. Ví dụ tiền ăn 2-3 triệu đồng vẫn có thể giảm bằng cách tự nấu ăn thay vì ăn hàng. Tiền quần áo, đi chơi hay phát sinh thêm cũng có thể cắt giảm...
Việt cho hay hiện tại, nếu tính cả học phí (2,5 triệu đồng/tháng), tổng mọi chi phí đại học của Việt khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đấy là mức chi phí tiết kiệm bởi nam sinh thường mang đồ ăn từ quê ra, cắt giảm các khoản mua sắm và thường mượn tài liệu ở thư viện.
"Nếu mọi thứ đều phải chi tại Hà Nội, tổng chi chắc chắn cao hơn. Mỗi khu vực sống có giá cả khác nhau nhưng nhìn chung mình thấy 5 triệu cho riêng việc sinh hoạt là hợp lý. Đến tiền xăng còn tăng theo tuần, theo tháng thì phí sinh hoạt tăng cũng không có gì lạ", Việt chia sẻ.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Mai Đức Toàn (chuyên gia giáo dục) đánh giá ở thời điểm hiện tại, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, mức chi phí dành riêng cho sinh hoạt (bao gồm tiền ăn, ở, đi lại, phát sinh) của mỗi sinh viên trung bình dao động khoảng 5-6 triệu đồng. Gia đình nào có điều kiện có thể chu cấp nhiều hơn.
Nếu tính thêm học phí, mỗi tháng, sinh viên sẽ mất thêm khoảng 2-5 triệu đồng, tùy mức thu của các trường. Tuy nhiên, tiền học thường nộp vào đầu kỳ, vì vậy hàng tháng, phụ huynh có thể “tạm thời” chưa phải lo khoản này.
“Nhiều người nói mức 5-6 triệu sinh hoạt phí là quá nhiều rồi so sánh với giai đoạn trước, khi họ cũng là sinh viên. Tôi thấy 5-6 triệu đồng mới chỉ là mức vừa đủ, vẫn phải tiết kiệm để trang trải cuộc sống sinh viên chứ không dư dả. Nếu muốn thoải mái hơn chút, thậm chí các em phải đi làm thêm”, TS Toàn nhận xét.
Theo TS Toàn, đại học không chỉ là "một tấm bằng", đó còn là cơ hội để các sinh viên trau dồi kiến thức, kỹ năng, là bàn đạp để hiện thực hóa ước mơ sự nghiệp. Chính vì vậy, đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, cả phụ huynh và các bạn học sinh đều phải cân nhắc, trong đó có vấn đề kinh tế.
“Tài chính trong quá trình học đại học là một vấn đề hết sức quan trọng, nhưng lại ít được các bạn để ý quan tâm đúng mức. Thời điểm đăng ký nguyện vọng hiện tại chính là lúc thích hợp nhất để các em cân nhắc vấn đề này”, TS Toàn nhận định.
Theo TS Toàn, thực tế, chi phí để học đại học không chỉ là học phí. Các gia đình cần tính toán đến cả chi phí ăn, ở, đi lại, phát sinh… trước khi đăng ký vào các trường. Bên cạnh đó, đại học là hành trình dài, 4-5 năm, phụ huynh và thí sinh cần lưu ý đến yếu tố tăng học phí (lộ trình được thông báo trong đề án tuyển sinh), mức độ lạm phát…
Thông thường, chi phí sinh hoạt sẽ tương đương học phí, phụ huynh có thể áng chừng chi phí trong 4-5 năm học đại học. Từ đó có thể chia ra chi phí cho mỗi năm, mỗi tháng để dễ cân đối.
Từ việc xác định tổng chi phí để hoàn thành bậc cử nhân, TS Toàn khuyên thí sinh nên chọn trường đại học có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, tính toán sao cho hợp lý để việc học không bị gián đoạn.
“Việc gia đình xác định rõ các khoản chi ngay từ đầu, lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp các em giảm thiểu những rủi ro, tránh bị gián đoạn”, TS Toàn nói.
Với những thí sinh thực sự khó khăn, TS Toàn khuyên các em có thể lựa chọn trường nghề, cao đẳng, hoặc đăng ký vào các trường đại học ở các tỉnh thay vì thành phố lớn để giảm chi phí.
Sau khi tốt nghiệp, các em hoàn toàn có thể đến thành phố để tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, các em cũng có thể đi làm thêm, tham khảo các khoản vay sinh viên từ ngân hàng chính sách hoặc học tập tốt để có học bổng.
“Yếu tố kinh tế quan trọng nhưng then chốt vẫn là sự quyết tâm của các em và gia đình. Chi phí hiện tại sẽ là khoản đầu tư cơ hội, đường dài để các em có tương lai rộng mở hơn. Nếu học tốt, ra trường, các em sẽ nhanh chóng hoàn lại chi phí đó", TS Toàn nói.