Theo đó, đoàn kiểm tra của Sở NNPTNT tỉnh sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất tại trụ sở làm việc và kiểm tra thực tế các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được cấp, phê duyệt mã số; cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm trái cây (quả sầu riêng) thuộc phạm vi quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân được công nhận là chủ mã số các vùng trồng sầu riêng; các cơ sở, tổ chức, cá nhân đóng gói quả sầu riêng tươi phục vụ xuất khẩu đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, cấp mã số; các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm trái cây (quả sầu riêng) thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Sở Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, nội dung kiểm tra gồm: việc duy trì điều kiện đáp ứng nhu cầu nước nhập khẩu Trung Quốc; sản lượng quả sầu riêng tươi niên vụ 2024; việc ủy quyền mã số cho các cơ sở đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc; truy xuất nguồn gốc đối với mã số vùng trồng sầu riêng được cơ sở đóng gói xuất khẩu; việc thực hiện các quy định pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; việc ghi nhãn đối với thực phẩm.
Cùng với đó, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng các chất khác có liên quan đối với quả sầu riêng tươi.
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 68 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích hơn 2.500 héc ta và cấp mã đóng gói cho cho 23 cơ sở đóng gói tại tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết hiện nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu là Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng. Sầu riêng Đắk Lắk được nhập khẩu chính thức vào thị trường này từ ngày 11/7/2022 với nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, việc kiểm tra này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên trong xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững.
"Với nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng của thị trường Trung Quốc đòi hỏi nhà vườn tập trung vào chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc xác định rõ trách nhiệm để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nông dân để hình thành chuỗi phát triển bền vững. Cùng với đó, cũng phải xác định rõ thị trường đầu ra là điều hết sức quan trọng để hướng đến đáp ứng nhu cầu thị trường trước mắt và về lâu dài", ông Nguyễn Hoài Dương cho biết.