Dân Việt

Cục Di sản đã phê duyệt hồ sơ và giám sát việc trùng tu di tích chùa Cầu – Hội An như thế nào?

Hà Tùng Long 30/07/2024 10:09 GMT+7
“Các bước xây dựng, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đều được Cục Di sản tham gia góp ý, thỏa thuận theo đúng quy định”, ông Trần Đình Thành chia sẻ.

Việc phục hồi màu sắc chùa Cầu không thể tránh làm di tích "mới" ra

Những ngày qua, việc chùa Cầu – một di tích độc đáo và đặc sắc giữa lòng phố cổ Hội An (Quảng Nam) bỗng xuất hiện với vẻ ngoài "mới tinh" sau quá trình trùng tu đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Rất nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra trên các diễn đàn mạng xã hội. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, việc trùng tu lại chùa Cầu đã làm mất đi vẻ cổ kính, độc đáo vốn có…

Cục Di sản đã phê duyệt hồ sơ và giám sát việc trùng tu di tích chùa Cầu – Hội An như thế nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh chùa Cầu sau quá trình trùng tu và tôn tạo đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Viết Niệm

Trao đổi với Dân Việt về quan điểm của Cục Di sản – đơn vị có tham gia các bước thẩm định và phê duyệt hồ sơ trùng tu di tích chùa Cầu của Hội An, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, việc bảo tồn và trùng tu một công trình di tích luôn nhận được sự quan tâm của những ai yêu mến di sản kiến trúc nói chung, di tích chùa Cầu nói riêng. Đây đồng thời cũng là nỗi đắn đo, trăn trở, của những người trực tiếp thực hiện dự án, đó là làm thế nào, sau lần đại trùng tu này, chùa Cầu vẫn giữ được nét cổ kính, vẻ đẹp thời gian như chúng ta từng chiêm ngưỡng.

Theo đó, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của chùa Cầu được giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc, trang trí; hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm. Cấu kiện thay mới hay thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự, phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.

Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được liên kết hoặc gia cố chắp vá để tận dụng. Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết.

Bởi nếu giữ nguyên sắc thái của thành phần được giữ lại trong khi đã phải được gia cố chắp vá loang lổ cùng những thành phần buộc phải thay mới cũng sẽ không bảo đảm thẩm mỹ. Đặc biệt là thiếu sự tôn nghiêm đối với một công trình tín ngưỡng như chùa Cầu – vốn là chức năng quan trọng đã tồn tại hàng trăm năm, từ trước khi nó được xếp hạng di tích.

Cục Di sản đã phê duyệt hồ sơ và giám sát việc trùng tu di tích chùa Cầu – Hội An như thế nào?- Ảnh 2.

Màu sắc của mái ngói và thành cầu bị cho là "trẻ" quá so với trước đây. Ảnh: Viết Niệm

"Cũng có ý kiến cho rằng, nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho chùa Cầu bớt mới đi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với quan điểm nguyên tắc "không làm giả" mà dự án đã đề ra, đặc biệt dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.

Thực tế, màu sắc của hệ trang trí mái chùa Cầu tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện tồn màu sắc nguyên trạng kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.

Việc phục hồi màu sắc dù sao cũng không thể tránh làm cho di tích có phần "mới" ra nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trung tu hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, Tết đến xuân về hàng năm", ông Trần Đình Thành nói.

Cục Di sản đã giám sát việc trùng tu chùa Cầu như thế nào?

Trước câu hỏi của Dân Việt về quy trình giám sát việc tu bổ chùa Cầu của Cục Di sản, ông Trần Đình Thành cho biết thêm rằng: "Các lần Hội An tổ chức hội thảo, tọa đàm để bàn về phương án trùng tu chùa Cầu đều mời Cục Di sản, cũng rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về trùng tu di tích kiến trúc gỗ trong nước và của cả Nhật Bản. Có tất cả là 3 lần.

Hội thảo Quốc tế đầu tiên được tổ chức từ rất sớm, từ năm 1999, lúc ấy đã đánh giá chùa Cầu đã rất xuống cấp nhưng nhiều đại biểu tham dự và cả chính quyền Hội An vẫn rất băn khoăn về việc lựa chọn phương án tu bổ như thế nào.

Cục Di sản đã phê duyệt hồ sơ và giám sát việc trùng tu di tích chùa Cầu – Hội An như thế nào?- Ảnh 4.

Hạ giải để tu bổ toàn bộ hay tu bổ từng phần hay chỉ hư đâu sửa đó. Thực tế, nhu cầu phải tu bổ toàn bộ khi ấy đã là rất cấp thiết. Nhưng xuất phát từ nhiều lo ngại. Nhất là nhận thấy năng lực kỹ thuật khi ấy chưa đáp ứng được cho việc trùng tu một di tích đặc sắc như chùa Cầu, sẽ làm cho chùa Cầu "trẻ", mới ra nên trong thời gian dài chùa Cầu chỉ được bảo vệ, dặm vá và chống đỡ để tránh nguy cơ sụp đổ.

Hội thảo năm 2016, phương án hạ giải để tu bổ toàn bộ chùa Cầu mới được bàn bạc và quyết định; cùng với những nội dung, quy mô thực hiện cũng như hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, giải pháp định hướng cũng được gợi mở.

Từ đó, thành phố Hội An tập trung đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu, khảo sát, xây dựng phương án, hồ sơ đầu tư. Các bước xây dựng, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đều được Cục Di sản tham gia góp ý, thỏa thuận theo đúng quy định. Thành phố Hội An cũng rất tích cực tiếp thu, chỉnh sửa… để có được hồ sơ phê duyệt đảm bảo cho việc triển khai thi công đạt hiệu quả. Thông qua kết nối của Cục Di sản, thành phố Hội An đã ký kết với Jica hỗ trợ chuyên gia cao cấp để tư vấn kỹ thuật cho dự án quan trọng này".

Được biết, dự án tu bổ di tích chùa Cầu ở Hội An có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.

Dự án này được khởi công vào ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ đã tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng.

Ngay sau khi việc trùng tu chùa Cầu hoàn thành đưa vào hoạt động trở lại thì xuất hiện nguồn ý kiến trái chiều về việc "trẻ hóa" chùa Cầu chứ không còn với vẻ cổ kính nguyên thủy ban đầu của chùa Cầu.