Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu: "Tôi tin người Hội An và tin tình yêu của họ đối với di sản"

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 30/07/2024 10:00 AM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội với PV Dân Việt sau khi dự án trùng tu 20 tỷ đồng Chùa Cầu (Hội An) vừa hoàn thành đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Bình luận 0

"Tôi tin trùng tu di tích Chùa Cầu được làm thận trọng, tỉ mỉ" 

Vài ngày qua, dự án trùng tu 20 tỷ đồng Chùa Cầu (Hội An) hoàn thành nhưng đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi có nhiều người khen Chùa Cầu sau khi trùng tu đẹp, công phu thì cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc trùng tu khiến Chùa Cầu bị "trẻ hóa", "không còn nhận ra di tích Chùa Cầu"...

Trao đổi với PV Dân Việt, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, mặc dù chưa có thời gian vào thành phố Hội An để trực tiếp chứng kiến diện mạo của Chùa Cầu khi mới trùng tu xong nhưng ông tin quyết định sửa chữa, trùng tu Chùa Cầu đã được cân nhắc, "nâng lên đặt xuống" rất nhiều lần của chính quyền và nhân dân Hội An.

Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu: "Tôi tin người Hội An và tin tình yêu của họ đối với di sản"- Ảnh 1.

Hình ảnh Chùa Cầu sau khi được trùng tu nhìn từ trên cao. Ảnh: Viết Niệm

"Trước khi tiến hành trùng tu các cơ quan bảo tồn làm việc đó phải nhiều lần báo cáo, trình bày hồ sơ để tập hợp cũng như nghiên cứu thực trạng, hồ sơ khảo cứu rất công phu, qua rất nhiều rà soát. Chùa Cầu là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng nên công tác chuẩn bị dự án tu bổ tôi tin được triển khai từng bước hết sức cẩn trọng. Không chỉ các nhà nghiên cứu ở Hội An mà có nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước. Tôi tin việc này được làm thận trọng, tỉ mỉ và cũng tham vấn cơ quan nghiên cứu di sản quốc tế nữa chứ không phải chỉ riêng Hội An", ông Ánh chia sẻ.

Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu: "Tôi tin người Hội An và tin tình yêu của họ đối với di sản"- Ảnh 2.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh. Ảnh: NVCC

Theo ông Ánh, từ thực tế đó, kết quả sau gần 2 năm trùng tu Chùa Cầu đã được hoàn thành. Nhìn và so sánh hai bức ảnh trước và sau khi công trình được trùng tu, ông Ánh nhận xét rõ ràng khi chưa tu sửa sẽ rêu phong, cũ kỹ. Sau khi trùng tu xong sẽ có màu sắc tươi mới hơn.

"Về hình dáng chất liệu tôi cho rằng, đơn vị trùng tu đã cố gắng bảo tồn, cái gì hỏng phải thay, cũ nát thay bằng vật liệu mới tương tự để củng cố kết cấu. Mọi người đang quen với màu sắc cũ khi nhìn thấy mới sẽ có chút lạ lẫm. Giống như ở Hà Nội mỗi lần trùng tu sửa chữa đều có ý kiến bàn tán. Như đợt trùng tu Nhà thờ Lớn hay Nhà thờ Cửa Bắc cũng vậy. Mặc dù Công giáo làm rất thận trọng nhưng rồi vẫn có lời bàn tán, ý kiến chê này khác nhưng rồi lại là địa điểm check-in quen thuộc của nhiều người mỗi khi đến Hà Nội. 

Hay một số công trình khác như: Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, in đậm dấu ấn lịch sử kinh thành Thăng Long được trùng tu, xây sửa lại. Khi mới làm xong trông màu sắc tươi sáng, không phai màu theo thời gian như cái cũ nên mọi người bàn luận, thời gian qua đi thấy cũng ổn, chẳng vấn đề gì. Bây giờ ai đi qua Ô Quan Chưởng hay Tháp Rùa đều bảo chúng được xây dựng cách đây cả mấy trăm năm chứ ai nghĩ mới trải qua xây dựng, trùng tu lại", ông Ánh nhấn mạnh.

"Chúng ta nên đặt niềm tin tuyệt đối vào người Hội An. Họ yêu quý di sản kiến trúc của họ hơn ai hết"

Kiến trúc sư Nguyễn Huy Ánh cho rằng, những vật liệu như gỗ, ngói khi có độ ẩm rất dễ trầm màu nhanh. Tuy nhiên, tất cả cái đó không quan trọng bằng thái độ của con người với di sản. Bởi thái độ của con người với di sản sẽ quyết định tình cảm của người dân ở đó với nó rất nhiều.

Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu: "Tôi tin người Hội An và tin tình yêu của họ đối với di sản"- Ảnh 4.

Hình ảnh Chùa Cầu trước khi trùng tu. Ảnh tư liệu

Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu: "Tôi tin người Hội An và tin tình yêu của họ đối với di sản"- Ảnh 5.

Hình ảnh Chùa Cầu sau khi được trùng tu. Ảnh: Viết Niệm

"Chúng ta nên đặt niềm tin tuyệt đối vào người Hội An, đừng nghi ngờ gì họ cả. Họ yêu quý di sản, kiến trúc của họ hơn ai hết. Đối với họ trân quý cái đó cũng là cách để bảo vệ nó. Chúng ta không nên võ đoán, đứng ngoài nhận xét chủ quan về công việc của người khác làm mà công việc đó, những con người đó đáng tin tưởng hơn mình rất nhiều", ông Ánh nêu quan điểm.

Theo tư liệu, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Ông Ánh cho hay, trong lịch sử quá trình tu bổ được bà con ở đây trùng tu bảo tồn bằng nguồn lực, tình yêu, nỗ lực của họ mà nhiều người không biết đã sửa chữa.

Tranh cãi trùng tu di tích Chùa Cầu: "Tôi tin người Hội An và tin tình yêu của họ đối với di sản"- Ảnh 6.

Phần mái Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Viết Niệm

"Tôi biết được câu chuyện có những người Hội An họ yêu quý di sản đến mức độ đến lau chùi các trạm khắc trong các hội quán một cách vô cùng thành kính. Người Hội An yêu quý di sản và biết cách yêu quý di sản một cách thành kính như thế không có lý do gì họ làm hư hỏng hoặc phai nhạt đi một di sản mang biểu tượng của thành phố đó. 

Trong quá trình trùng tu Chùa Cầu ở Hội An, tôi chưa có dịp hỏi lại những con người ở đó họ nhìn nhận lại việc sửa chữa tại đó như thế nào. Nói một cách công bằng thì phải chính người ở đó nói ra. Việc trùng tu Chùa Cầu như vậy có xứng đáng hay không thì chính con người ở Hội An mới là người nói lên điều đó là đúng là sai. Tôi tin người Hội An, tin tình yêu của họ đối với di sản và tôi tin tất cả những việc làm của họ xứng đáng", ông Ánh nói thêm.

Trước những ý kiến trái chiều xoay quanh việc trùng tu di tích Chùa Cầu bị cho là "trẻ hóa di tích", ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, việc thay đổi màu sắc sau trùng tu là điều không thể tránh khỏi và Chùa Cầu sẽ sớm cũ màu như vốn có.

Vì loại vật liệu dùng để trang trí lớp áo di tích Chùa Cầu sau khi trùng tu là vôi ta (gọi là vôi thời xưa). Vôi này khi mới quét xong nhìn có vẻ mới, nhưng khi gặp vài cơn mưa và thời tiết ẩm ướt thì rêu mốc sẽ xuất hiện. Bởi vậy, theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, Chùa Cầu sẽ sớm trở lại như xưa.

"Việc trùng tu Chùa Cầu có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, nhà chuyên môn, công khai minh bạch. Và có nhiều du khách trong và quốc tế tham quan, giám sát. Thời điểm trùng tu Chùa Cầu nếu có một việc nhỏ thì các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phản ánh, lên tiếng rồi, nhưng việc này cũng không có. Đến hiện tại khi hoàn thành 100% và đưa vào hoạt động chỉ có màu sơn là mới nên mới gây ra tranh cãi trong dư luận. Khi trùng tu không thể đưa công nghệ, đưa hóa chất vào pha màu để làm như cũ được, vì đưa hóa chất vào sẽ ảnh hưởng đến công trình sau này.

Màu vôi không quan trọng, không thể chê màu vôi mà đổ hết cả một công trình trùng tu di tích Chùa Cầu. Công trình trùng tu phải thay đổi màu sắc, không thể giữ được như màu cũ. Cái quan trọng là sự cổ kính của tất cả các cấu kiệu cũ của di tích mới là quan trọng. Những cái kết tinh hàng trăm năm thì không thể nào bỏ và thay thế cái mới vào được. Đặc biệt, công năng của Chùa Cầu vẫn như xưa không thay đổi…", ông Sơn giải thích.

Chùa Cầu là một cây cầu cổ nối hai phố Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, nằm ở phía tây nam khu phố cổ Hội An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Công trình bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài. Cầu ban đầu được khởi dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 16, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản.

Chùa Cầu dài khoảng 18m, rộng khoảng 3m; có kiến trúc pha trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Cấu trúc cầu theo mặt bằng gồm 3 phần chính là 2 phần đầu cầu và phần thân cầu ở giữa. Mỗi đầu cầu hai phía được xây gạch bao gồm 3 nhịp, phần cầu ở giữa có 5 nhịp đặt trên các trụ gạch cắm xuống nước. Tất cả hệ khung của công trình làm bằng gỗ, có 3 hệ mái tương ứng với 3 phần cầu.

Thời gian trôi qua khiến Chùa Cầu xuống cấp và được đầu tư tu bổ với tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem