Dân Việt

Ngoại trưởng EU Joseph Borrell tới Hà Nội: EU khởi động nâng cấp quan hệ với Việt Nam

M.H. 30/07/2024 16:43 GMT+7
"Việt Nam là đối tác quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. Chúng tôi mong muốn củng cố quan hệ đối tác. Tôi muốn chuyến thăm của mình sẽ khởi động quá trình nâng cấp quan hệ của chúng ta: - Ngoại trưởng EU Joseph Borrell phát biểu tại Hà Nội.

Đối tác quan trọng

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-31/7. Sau cuộc hội đàm sáng 30/7, trưa nay, hai nhà ngoại giao hàng đầu hai bên đã gặp gỡ báo chí. 

Ngoại trưởng EU Joseph Borrell tới Hà Nội: EU khởi động nâng cấp quan hệ với Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh: M.H.

Mở đầu cuộc gặp, ông Borrell đã nhắc lại lời chia buồn việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. "Tôi đã có mặt tại Hà Nội vào thứ năm tuần trước để dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" - ông nói.

"Với tư cách là Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, tôi xin gửi lời chia buồn tới người dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư đã có những đóng góp to lớn vào việc củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu".

Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định khung về Hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) có hiệu lực từ 1/10/2016. Quan hệ hai bên phát triển rất tốt đẹp trong mọi lĩnh vực. Ông Borrell cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. 

"Chúng tôi mong muốn củng cố quan hệ đối tác này. Tôi muốn chuyến thăm của mình sẽ khởi động quá trình nâng cấp quan hệ của chúng ta" - ông nhấn mạnh. 

Hợp tác toàn diện

Nhìn lại quan hệ song phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: Hai bên hài lòng những bước phát triển trong quan hệ, đặc biệt là về chính trị ngoại giao, thương mại đầu tư, an ninh quốc phòng và các lĩnh vực khác. Trao đổi đoàn, đặc biệt là tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Hai bên đang triển khai hiệu quả 4 thỏa thuận hợp tác, 8 cơ chế đối thoại. Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên có tất cả trụ cột hợp tác về chính trị kinh tế quốc phòng an ninh với EU.

Ngoại trưởng EU Joseph Borrell tới Hà Nội: EU khởi động nâng cấp quan hệ với Việt Nam- Ảnh 2.

EU là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất, một trong những đối tác thương mại lớn nhất, HIệp định Thương mại Việt Nam – EU EVFTA đang thực hiện hiệu quả. 

EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 là gần 60 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 25 tỷ USD, tăng 16% so với 2023. EU là nhà đầu tư lớn thứ 5 với tổng đầu tư lũy kế lên tới gần 30 tỉ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU và lớn nhất trong ASEAN. 

"Tôi đánh giá cao hỗ trợ của EU trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, góp phần vào hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Bộ trưởng đề nghị EU tiếp tục duy trì ODA qua các kênh song phương và. đa phương, các chương trình khu vực, tập trung vào các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng phát triển của Việt Nam với tăng cường năng lực quản trị công về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển nghề cá bền vững…

Bộ trưởng Đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với xuất khẩu hải sản Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những kết quả đạt được của Việt Nam trong phòng chống IUU; thúc đẩy các thành viên còn lại của EU sớm phê chuẩn EVIPA để đưa hợp tác tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị EU hỗ trợ tối đa  vềt ài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai hiệu quả JETP, trong đó có hỗ trợ Việt Nam thiết lập thị trường tín chỉ carbon  kết nối với thị tường quốc tế và triển khai các dự án xanh.

Ngoại trưởng EU Joseph Borell cho biết, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á mà Liên minh châu Âu có số lượng thỏa thuận lớn nhất, bao gồm PCA và EVFTA.

Ngoại trưởng EU Joseph Borrell tới Hà Nội: EU khởi động nâng cấp quan hệ với Việt Nam- Ảnh 3.

Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU tại Đông Nam Á. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020, thương mại đã tăng 36%. Hai bộ trưởng đã thảo luận về việc thúc đẩy thực hiện đầy đủ EVFTA.

Ông Borrell nhắc lại sự ủng hộ với cam kết của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). "Điều quan trọng hiện nay là phải đẩy nhanh tiến trình này bằng cách xác định các dự án ưu tiên và cải cách quy định pháp lý" - ông nói.

Ngoài ra, hai bên đã thảo luận về nhân quyền, một phần khônng thể thiếu trong quan hệ song phương.

Biển Đông

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hai bên đã thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông.

Bộ trưởng nói: "Tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ với hòa bình ổn định khu vực và ảnh hưởng dến lợi ích cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hoanh nghênh và đánh giá cao vai trò tích cực của EU trong việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, trật tự trên biển dựa trên luật lệ quốc tế và UNCLOS 1982".

Bộ trưởng "đề nghị EU tiếp tục lập trường ủng hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia được tôn trọng phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982 mà các nước ven Biển Đông là thành viên".

Đáp lại, Ngoại trưởng EU Joseph Borrell nói: "Tất cả chúng ta nên yêu cầu thực hiện luật pháp quốc tế ở mọi nơi", từ Ukraine, Dải Gaza và Biển Đông.

Ông cho biết ông đã thảo luận với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về tình hình xung đột Nga - Ukraine, về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Liên quan đến Biển Đông, Ngoại trưởng EU cho biết: "Chúng tôi có lợi ích trực tiếp trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. 38% lượng hàng nhập khẩu của EU và 22% lượng hàng xuất khẩu của chúng tôi đi qua Biển Đông" - ông Borrell nói.

"Chúng tôi được khích lệ bởi các hoạt động ngoại giao và các cuộc đàm phán của Việt Nam với các bên trong khu vực như Indonesia và Philippines". 

Ông nhấn mạnh: EU có thể là 'người hỗ trợ thông minh' cho hòa bình và an ninh, có thể tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực của Việt Nam trong an ninh mạng, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.

Về tình hình quốc tế, ông nhắc lại các phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Lào trước đó: "Trong bối cảnh thế giới khủng hoảng và xung đột ngày nay, Châu Âu và ASEAN phải sát cánh cùng nhau và chúng tôi công nhận vai trò trung tâm của ASEAN".

Cửa ngõ Toàn cầu

Về hợp tác 2 bên sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc các kênh các cấp nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Hai bên cần phối hợp khai tác tốt các cơ chế hiện có, tháo gỡ các vướng mắc và đề xuất các lĩnh vực hợp tác mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, môi tường, ứng phó BĐKH, đào tạo nguồn nhân lực gìn giữ hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng chống tội phạm, cùng đóng góp bảo đảm hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Việt Nam hoan nghênh EU đóng vai trò tích cực tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua triển khai một số sáng kiến chiến lược và sáng kiến khác, sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường hợp tác của EU với khu vực.

Việt Nam đã tích cực tham gia sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu của EU, góp phần thúc đẩy kết nối hạ tầng, thương mại, đầu tư, chuyển đổi năng lượng; Việt Nam cũng sẽ tiếp tục xem xét tham gia các chương trình dự án trong khuôn khổ Cửa ngõ Toàn cầu phù hợp với ưu tiên và năng lực, thực tiễn của Việt Nam

Việt Nam cũng ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU, đánh giá cao triển vọng hợp tác hai bên trong đó có triển khai kế hoạch hành động 2023- 2027 để thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN và phục vụ lợi ích của hai bên - Bộ trưởng cho biết.