Dân Việt

Ninh Thuận: Một nông dân 9X làm nông nghiệp tuần hoàn từ mô hình nuôi con vật ưa bóng tối

Đức Cường 01/08/2024 05:54 GMT+7
Nhận thấy con trùn quế là một “cỗ máy” cải tạo đất, xử lý phân bón hoàn toàn tự nhiên, nông dân trẻ Lê Minh Vương ở Ninh Thuận đã xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn vườn, ao, chuồng nuôi trùn quế. Sản phẩm nông nghiệp từ mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và mang lại nhiều giá trị tự nhiên khác.

Một ngày cuối tháng 7, PV Dân Việt tìm về thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải, TP. Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tìm gặp nông dân trẻ Lê Minh Vương. Đây là một trong những nông dân trẻ (SN 1992) nổi tiếng làm nông nghiệp tuần hoàn từ trùn quế ở Ninh Thuận.

Trùn quế với nông nghiệp tuần hoàn

Tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường và có công việc ổn định ở Ninh Thuận nhưng chàng trai trẻ Lê Minh Vương (SN 1992) lại quyết định "bỏ ngang" để về làm nông nghiệp tuần hoàn với ước muốn vươn lên làm giàu trên quê hương nhờ con trùn quế.

Minh Vương 9X ở Ninh Thuận làm nông nghiệp tuần hoàn từ mô hình nuôi trùn quế, con vật ưa tối- Ảnh 1.

Lê Minh Vương và trại nuôi trùn quế ở xã Thành Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở vùng nắng gió Ninh Thuận, tuổi thơ của Lê Minh Vương gắn liền với khó khăn, vất vả bên những cánh đồng, ao tôm "bạc màu" do ô nhiễm. 

Thấu hiểu được những khó khăn đó, Lê Minh Vương bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê với con trùn quế, một "cỗ máy" cải tạo đất và xử lý phân bón hoàn toàn tự nhiên.

Lê Minh Vương cho biết, ở địa phương mình sinh sống có nhiều hộ nuôi tôm thường nạo vét bùn lắng để vệ sinh ao. Số bùn này (có nhiều xác tôm chết) chất đóng ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Nhận thấy con trùn quế có thể sinh sống và cải tạo đất nên anh quyết định đào sâu nghiên cứu.

"Con trùn quế rất dễ nuôi, chỉ cần tạo môi trường có bóng mát và tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp để làm thức ăn cho trùn. Lượng đất sau khi được trùn quế xử lý sẽ thành phân bón tự nhiên giàu dinh dưỡng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…", Lê Minh Vương cho hay.

Minh Vương 9X ở Ninh Thuận làm nông nghiệp tuần hoàn từ mô hình nuôi trùn quế, con vật ưa tối- Ảnh 3.

Trùn quế được ví như "cỗ máy" cải tạo đất và làm phân bón hoàn toàn tự nhiên. Ảnh: Đức Cường

Dẫn chúng tôi tham quan "mô hình" vườn – ao – chuồng rộng 4.000 mét vuông của mình, Lê Minh Vương tự hào khoe thành quả sau gần 10 năm theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp tuần hoàn của mình. 

Tại đây, các chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này, là đầu vào của quá trình khác thông qua các bước xử lý nhờ trùn quế. Tất cả sản phẩm nông nghiệp đều được sản xuất khép kín, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo môi trường nông thôn trong sạch.

Nông dân trẻ Lê Minh Vương cho biết, đối với 100 mét vuông có thể thả nuôi 4 tấn trùn sinh khối (gồm: phân trùn, kén trùn, trùn bố, mẹ…). Sau khoảng 3 – 4 tháng người nuôi chỉ cần gạt 5cm đất mặt để thu hoạch. Sản lượng sau thu hoạch có thể đạt từ 8 – 12 tấn sản phẩm từ trùn quế như: trùn thịt, phân trùn, đất đã được trùn quế xử lý thành phân bón tự nhiên…

"Việc nuôi trùn quế sẽ giúp người nông dân tiết kiệm chi phí phân bón, nguồn đất được cải tạo sẽ giàu dinh dưỡng, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao hơn so với sản xuất truyền thống. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân…" Lê Minh Vương cho hay.

Minh Vương 9X ở Ninh Thuận làm nông nghiệp tuần hoàn từ mô hình nuôi trùn quế, con vật ưa tối- Ảnh 5.

Sản phẩm từ trùn quế được nông dân trẻ Lê Minh Vương sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón để trồng cây. Ảnh: Quang Đăng

Hiện Farm nông nghiệp tuần hoàn của anh có đầy đủ các giống cây trồng, vật nuôi. Đứng đầu chuỗi khép kín nông nghiệp tuần hoàn là con trùn quế. Sản phẩm đất được trùn quế cải tạo được anh sử dụng bón cho rau xanh và cây ăn trái. Trùn sống được chế biến thành thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc chế biến thành dịch trùn quế sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Trung bình mỗi tháng, Lê Minh Vương xuất bán các sản phẩm từ trùn quế như: dịch trùn quế, phân trùn quế và cá chế phẩm trùn quế cho các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, anh cũng là một trong những "cổ đông" của dự án nuôi trùn quế quy mô lớn ở huyện Củ Chi (TP.HCM), mang lại thu nhập ổn định từ 20 – 50 triệu đồng/tháng.

Minh Vương 9X ở Ninh Thuận làm nông nghiệp tuần hoàn từ mô hình nuôi trùn quế, con vật ưa tối- Ảnh 6.

Vườn đu đủ hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn của Lê Minh Vương. Ảnh: Quang Đăng

Xuất bản sách dạy nông nghiệp tuần hoàn

Việc ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín của Lê Vương Minh đã mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp tuần hoàn.

Minh Vương 9X ở Ninh Thuận làm nông nghiệp tuần hoàn từ mô hình nuôi trùn quế, con vật ưa tối- Ảnh 7.

Lê Minh Vương và cuốn sách "Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng" do chính mình biên soạn và bán hết sạch sau 1 tháng xuất bản. Ảnh: Đức Cường

Hiện, Farm nông nghiệp tuần hoàn của nông dân trẻ Lê Minh Vương luôn mở cửa tiếp đón những đoàn khách học tập kinh nghiệm, giúp mọi người được tham quan, nghe và ăn trực tiếp những sản phẩm nông nghiệp sạch tại nông trại.

Để lan tỏa hơn nữa những nghiên cứu, sáng chế của mình, Lê Minh Vương còn tham gia nhiều cuộc thi về môi trường và đã đạt nhiều giải thưởng. Vương còn là tác giả của cuốn sách "Sáng tạo để phụng sự", "Cẩm nang kỹ thuật nông nghiệp sạch", "kỹ thuật nuôi trùn quế và ứng dụng trong nông nghiệp sạch".

Mới nhất, để chia sẻ kinh nghiệm cũng như truyền cảm hứng và niềm đam mê về mô hình nông nghiệp tuần hoàn, mới đây Lê Minh Vương đã cho ra đời cuốn sách "Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng".

Nói về những "đứa con tinh thần" của mình, Lê Minh Vương cho biết, cuốn sách là toàn bộ tâm huyết và kiến thức mà anh tích lũy sau nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và việc canh tác các loại cây ăn trái như nho, táo, ổi, dưa lưới, nha đam, các loại rau ăn lá… có khí hậu đặc thù tại vùng đất nắng gió.

Minh Vương 9X ở Ninh Thuận làm nông nghiệp tuần hoàn từ mô hình nuôi trùn quế, con vật ưa tối- Ảnh 9.

Lê Minh Vương cho ra đời nhiều sản phẩm từ con trùn quế để phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Ảnh: Đức Cường

"Cuốn sách góp phần lan tỏa thông điệp xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững dựa trên các giải pháp an toàn và thân thiện với môi trường, tôn trọng tự nhiên và sức khỏe con người. Đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp những ai đang làm nông nghiệp sẽ hiểu sâu và rộng hơn về các kĩ thuật canh tác tự nhiên, các giải pháp sinh học truyền thống kết hợp với các phương án khoa học ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại…", Vương cho hay.

Với miền đam mê với trùn quế và "dự án" nông nghiệp tuần hoàn, nông dân trẻ Lê Minh Vương đã tham nhiều cuộc thi khởi nghiệp và đạt được nhiều thành tích đáng nể:

Giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp Ninh Thuận 2023 do tỉnh Đoàn Ninh Thuận tổ chức với dự án Nông Nghiệp Tuần Hoàn Ứng Dụng và Trùn Quế. Giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc do TW Đoàn thanh niên Cộng sản HCM tổ chức với dự án Nông Nghiệp Tuần Hoàn Ứng Dụng.

Thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với Dự án khởi nghiệp Nông Nghiệp Tuần Hoàn Ứng Dụng và Trùn Quế 2024.

Ngoài ra Lê Minh Vương còn đạt giải nhất cuộc thi thanh thiếu niên sáng tạo tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2016 do TW Đoàn Thanh Niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với sản phẩm thiết bị sạc PIN di động Solar EGG; Giải đặc biệt cuộc thi Mùa hè Nước năm 2015 do tập đoàn Unilever tổ chức với sản phẩm Mô hình lọc nước cải tiến sử dụng ánh sáng Mặt Trời ứng dụng tại Ninh Thuận.

Giải nhì Dự án khởi nghiệp 2015 - Mô hình cải tạo bùn thải ao nuôi tôm thẻ chân trắng làm phân bón và nuôi trùn quế.