Để phục vụ cho đam mê hoa lan độc, lạ của mình, chị Kim Phượng mạnh tay đầu tư phòng lab cấy mô, vườn cây post và vườn cây lớn.
Tôi tình cờ quen Kim Phượng vào giữa mùa dịch Covid-19 thông qua một người bạn chơi lan có tiếng ở TP HCM. Theo người bạn này, mặc dù cô gái Kim Phượng khá nhỏ nhắn, nhìn có vẻ gầy ốm, nhưng tinh thần "tìm dòng lan Việt khác biệt" thì thì vô cùng mãnh liệt. Tò mò, tôi nhấc máy gọi cho Kim Phượng.
Ban đầu, ý định của tôi chỉ thỏa chí tò mò về công việc của cô, nhưng câu chuyện "lai tạo dòng lan Việt khác biệt" của Kim Phượn đầy lý thú đã thu hút tôi.
Kim Phượng kể, khát khao tìm kiếm dòng lan lạ của chị chỉ bộc phát vào năm 2019 khi chị đi du lịch ở Thái Lan và tận mắt thấy nền công nghiệp hoa lan phát triển mạnh mẽ của Thái.
Sau chuyến tham quan Thái Lan, khi trở về Kim Phượng quyết định chuyển hướng sản xuất. Thay vì nhân giống lan giả hạc, chị chuyển sang con đường tự mình lai tạo và sản xuất các giống hoa lan dendro.
Hiện chị Liêu Thị Kim Phượng là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vườn lan Việt có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Phần lớn doanh thu của HTX từ bán hàng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.
"Tôi chọn đi theo con đường lai tạo giống hoa lan dendro mới cho thị trường hoa lan Việt bằng phương pháp thụ phấn, gieo hạt" - Kim Phượng thổ lộ.
Và dù từ năm 2015 đã mở phòng lab nhân giống lan giả hạc, nhưng khi bắt tay vào lai tạo giống lan dendro, Kim Phượng mới thấy thực sự nhiều khó khăn và rủi ro. "Tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, từ môi trường nuôi cấy, cách làm chồi, lựa chọn chồi cấy, cách ra cây, cách chăm sóc, quản lý vườn…" - Kim Phượng chia sẻ.
Sau nhiều lần lai tạo thất bại, Kim Phượng cũng đã tìm ra được phương pháp lai, các mặt bông làm mẹ, làm bố. Cuối năm 2020, Kim Phượng đã có được những cây giống dendro gieo hạt đầu tiên mà chị đã lai tạo. Hiện, bộ sưu tập vườn cây lan giống của chị Phượng có hơn 200 mặt bông, như: Dendro màu, dendro nắng, dendro chớp...
Bước tiếp theo là chị Phượng sẽ trồng các cây post để xổ mặt bông, lựa chọn các mặt bông đẹp, lạ để tiếp tục công tác lai tạo sau ít nhất 5 - 7 đời. Cùng với đó, chị Phượng đăng ký bản quyền các giống lan này. "Tôi thích tìm kiếm sự mới lạ, sáng tạo. Tôi muốn thị trường hoa lan Việt có những mặt bông riêng" - chị Phượng nói.
Theo chị Phượng, việc đi tìm sự mới, lạ của hoa lan là do tình yêu với thứ hoa quyến rũ này chứ không đơn thuần là mục tiêu kinh tế.
Chính vì vậy, khi giới thiệu, chia sẻ các dòng hoa mới, lạ do chị lai tạo, Kim Phượng thường lấy giá khá "mềm" để các vườn trồng lan, người chơi, sưu tầm dễ dàng tiếp nhận.
Đưa dòng lan khác biệt ra thị trường quốc tế
Đến giờ, những dòng lan dendro của chị Kim Phượng không chỉ bán rộng rãi trên thị trường trong nước mà thông qua sàn thương mại điện tử, dòng hoa lan này đã vườn ra thị trường thế giới.
"Việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử bước đầu có những khó khăn, vì mình phải xây dựng nền móng, ghi dấu với khách hàng. Khi đã xây dựng được nền móng vững chắc thì bán hoa lan tương đối dễ, lúc đó khách hàng sẽ tự tìm đến mình" - Kim Phượng thổ lộ.
Kim Phượng cho biết, hiện chủ yếu chị bán hoa lan qua các kênh thương mại điện tử, như: Trang web, Shopee, Lazada, Facebook…
Những sản phẩm chủ yếu là hoa lan giống và các chậu lan cắm sẵn. Kim Phượng nhìn nhận, việc bán hàng online đã giúp HTX rất nhiều trong khâu thương mại sản phẩm.
Nhờ thương mại điện tử, những sản phẩm cây giống của chị đã đi đến khắp nơi trên cả nước. Thậm chí, giống hoa lan cấy mô của Kim Phượng còn được bán sang tận Úc.
Một số người Việt ở Mỹ cũng đang mong muốn Kim Phượng đưa giống lan sang nước này. "Người Việt ở nước ngoài rất thích trồng lan" - chị Phượng cho hay.
Sau dịch Covid-19, tôi dự buổi ký kết chương trình đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn của Hội Nông dân TP.HCM và Bưu điện thành phố. Tình cờ tôi nhận ra cô gái nhỏ nhắn Kim Phương ngồi lẫn giữa những nông dân tham dự buổi lễ. "Em thấy làm nông bây giờ không chỉ phải học nghề nông mà còn học bán sản phẩm, nhất là trên chợ điện tử" - Kim Phượng tâm sự.
Cũng cần nói thêm, những năm gần đây tại TP.HCM, các sở, ngành chức năng rất quan tâm đến việc hỗ trợ nông dân, HTX tiếp cận phương pháp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Và các buổi tập huấn như vậy, Kim Phượng đều cố gắng tham dự để tìm tòi mở rộng thị trường lan của mình.
Như vừa qua, Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, HTX, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ đề "Liên kết tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử".
Hội nghị này nhằm tạo điều kiện gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp với các nhà đầu tư, các kênh phân phối để trao đổi, thảo luận việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản TP.HCM theo hình thức tiêu thụ trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Một số đơn vị thương mại điện tử tham gia hội nghị là Sendo, Zafaco…
Theo bà Nguyễn Thị Yến Chi của sàn Sendo, sàn này đang thực hiện dự án riêng mang tên "Sendo Farm" nhằm cung cấp giải pháp kinh doanh online cho các nông hộ, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp có ý định tham gia bán sản phẩm.
Hiện, Kim Phượng là Giám đốc HTX Nông nghiệp Vườn lan Việt, có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Phần lớn doanh thu của HTX đều từ bán hàng thông qua sàn giao dịch điện tử.
Chính nhờ những thành công về sản xuất, kinh doanh hoa lan của Kim Phượng, nên sản phẩm hoa lan của HTX Vườn Lan Việt đã trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM. HTX Vườn Lan Việt được khen tặng Doanh nghiệp doanh nhân xuất sắc năm 2021, thương hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương năm 2021.
Riêng Kim Phượng là gương "Thanh niên tiêu biểu năm 2021" của TP.Thủ Đức, được Hội Nông dân TP.HCM trao tặng danh hiệu "Nông dân tiêu biểu TP.HCM năm 2021".
Không chỉ thành công với nghề trồng hoa lan, Kim Phượng còn tạo công việc cho lao động thường xuyên tại địa phương, hỗ trợ cây giống cho nông dân và tăng quà cho người nghèo…