Người ta đều biết, việc bảo tồn kiến trúc và các di sản văn hóa theo cách phù hợp sẽ làm tăng giá trị tài sản và nâng cao nguồn tài chính cho địa phương. Chắc chắn di tích Chùa Cầu mang giá trị kiến trúc và lịch sử rất lớn. Nhưng có một sự thật là công trình này đã được xây dựng vào đầu thế kỷ 17, thuộc về một kỷ nguyên khác và kỷ nguyên đó giờ mãi mãi trôi qua.
Qua các bình luận, ý kiến thảo luận, người ta nhận thấy có nhiều ý kiến chê hơn là khen đối với diện mạo sau trùng tu của di tích Chùa Cầu. Dưới góc nhìn chuyên ngành cộng đồng, tôi thấy nổi lên ba vấn đề chính:
Đầu tiên, không khó để người ta nhận thấy có rất nhiều ý kiến cho rằng di tích mang một diện mạo quá trẻ. Nét xưa, dấu cũ đã không còn.
Thứ hai, một cơ sở hạ tầng, một điểm di tích đoàn kêu cứu và cần được sửa chữa. Và thực tế, nó đã trải qua một cuộc “đại trùng tu”.
Thứ ba, trước làn sóng phản hồi khá tiêu cực, lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng đã ngay lập tức tiếp thu và xử lý theo hướng để diện mạo Chùa Cầu mới trùng tu có thêm phần xưa cũ, mang đúng cốt cách của di sản đầy tính hoài niệm.
Qua đây, có nhiều khía cạnh khác nhau cần xem xét. Trước hết, điều đáng mừng, một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng của Hội An đã được can thiệp đúng lúc. Người ta đã thấy những vết nứt nghiêm trọng xuất hiện tại đó và đã có sự can thiệp. Và cũng phải khẳng định, việc người ta đã thực hiện ở chùa Cầu Hội An là trùng tu, đại trùng tu chứ không phải là phục dựng.
Nói về câu chuyện trùng tu di tích lịch sử, chúng ta nhớ lại vào ngày 15/4/2019, thế giới đã bàng hoàng khi chứng kiến ngọn lửa tàn phá mái nhà thờ Đức Bà Paris. Ngay sau khi đám cháy được dập tắt, qua báo chí Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố rằng một ngày nào đó, nhà thờ sẽ "đẹp hơn bao giờ hết".
Những lời này đã gây hoang mang trong công chúng. Làm sao ông có thể hứa sẽ khôi phục một công trình vô giá trong khi lại ám chỉ rằng diện mạo của nó có thể thay đổi?
Xét cho cùng, không thể tái tạo hoàn hảo các yếu tố kiến trúc từ 700 năm trước - vật liệu và kỹ thuật mà những người xây dựng thời trung cổ sử dụng hiện không còn nữa.
Nhưng gần như một phép màu, nhà thờ gần như được phục hồi hoàn toàn, gần đạt được tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron vào ngày sau khi vụ cháy xảy ra hoàn toàn bằng những nỗ lực trùng tu.
Hay một ví dụ khác về việc trùng tu di tích lịch sử: Đường Piotrkowska, nơi đặt trụ sở cũ của Siemens, là một điểm thu hút khách du lịch phổ biến và là trục chính của thành phố dài hơn 4 km tại thành phố Lodz, thành phố lớn thứ 4 ở Ba Lan.
Các công ty xây dựng Ba Lan đã sử dụng công nghệ hiện đại laser để khôi phục lại tòa nhà, mang tính biểu tượng về thời kỳ huy hoàng trước đây. Một chi tiết làm du khách kinh ngạc đó là họ dùng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại tối tân nhất chỉ nhằm mục đích giữ nguyên được nét đặc trưng lịch sử của mặt tiền tòa nhà.
Đội ngũ xây dựng đã tìm kiếm kỹ thuật phù hợp để làm sạch đá sa thạch trong một thời gian dài. Lazer được lựa chọn chỉ vì việc làm sạch bằng tia lazer không chỉ nhanh, thuận tiện mà còn không xâm lấn nên không làm hư hại bề mặt đá, ngay cả ở những chi tiết nhỏ nhất. Vì vậy, công chúng hài lòng khi tòa nhà vẫn giữa nguyên được nét đặc trưng lịch sử vốn có.
Trở lại với câu chuyện bảo tồn di tích Chùa Cầu Hội An, tôi cho rằng, mọi phán xét chỉ có giá trị nếu như các phán xét đó dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về di sản và bảo tồn di sản. Thực tế nhiều khi chúng ta gặp khó khăn, thách thức trong việc tôn tạo, trùng tu các di sản giá trị khi vừa phải đảm bảo hài hòa việc bảo tồn nhưng không làm mất đi lịch sử, không phủ nhận quá khứ.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Hội An cũng đã từng thừa nhận, từ 30 năm trước, việc trùng tu, hạ giải Chùa Cầu là một vấn đề vô cùng bức thiết. Khi đó, nhiều cuộc hội thảo với nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã đặt ra vấn đề này, tuy nhiên điều kiện lúc đó chưa thể “hạ giải” được toàn bộ Chùa Cầu nên phải trùng tu từng phần.
Mãi đến nay, với điều kiện công nghệ và kỹ thuật hiện đại, chúng ta mới có thể tự tin hạ giải để trùng tu toàn bộ. Với tư cách là một người yêu và hiểu Hội An quá sâu sắc, ông Sự cũng khẳng định rằng đây là công việc cần thiết nhằm cứu lấy di tích hàng trăm năm tuổi.
Và cần phải nhớ rằng, ở chùa Cầu người ta tiến hành trùng tu chứ không phải phục dựng. Khi trùng tu, có một nguyên tắc được đặt ra là: Phải đảm bảo tính nguyên trạng. Công việc này không hề đơn giản.
Như ở chùa Cầu, một cây cột chỉ hư một nửa, không bỏ toàn bộ cây cột mà chỉ bỏ một nửa, xong dùng keo, kỹ thuật dán vào và tất nhiên là có ghi chú cẩn thận ngày tháng thay cột… Từng viên gạch, mái ngói đều phải đảm bảo nguyên gốc.
Có thể khẳng định, các nỗ lực trùng tu chùa Cầu là điều cần thiết để bảo tồn di sản này cho các thế hệ tương lai không chỉ cho riêng Quảng Nam mà cả đất nước.
Và một yếu tố quan trọng nữa để bảo tồn và phát triển di sản sau khi trùng tu, bảo tồn thành công: Đó là bằng cách lấy con người làm trung tâm, chú trọng yếu tố bản địa, giá trị và các quan điểm đa dạng, tôi tin rằng những nỗ lực bảo tồn di sản sẽ mang về quả ngọt và giá trị tích cực, góp phần vào sự phát triển bền vững của di sản.
Nhiều nước đã từng áp dụng những kinh nghiệm này và thành công như Hy Lạp, Ai Cập, Italia, Pháp, Ba Lan, Campuchia... Tất nhiên Việt Nam cũng có thể học hỏi và tham khảo từ những thực tiễn sống động này.