Tại tọa đàm "Sáng tạo xanh - Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt" vừa được tổ chức tại TP.HCM, nhiều người bất ngờ khi biết loại bánh tráng không nhúng nước thương hiệu Tân Nhiên có mặt khắp các siêu thị, cửa hàng tạp hóa gần nhà, được làm từ bột khoai mì chứ không phải từ bột gạo.
Anh Đặng Khánh Duy - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bánh tráng Tân Nhiên) cho biết Tây Ninh vốn nổi tiếng với nghề sản xuất bánh tráng. Trước đây bánh tráng thường được làm từ bột gạo. Điểm hạn chế của bánh tráng bột gạo là giòn, dễ gãy.
Trong khi đó, vùng nguyên liệu khoai mì tại Tây Ninh lại rất lớn. Khi về làm rể Tây Ninh vào năm 2012, gắn với xưởng sản xuất bột khoai mì của gia đình nên anh hiểu rõ tính chất của bột khoai mì.
Vì vậy, khi có ý định khởi nghiệp, vợ chồng anh đã quyết định sử dụng bột khoai mì để làm bánh tráng thay cho bột gạo. Việc này vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu địa phương, anh cũng rất biết rõ về đặc tính của bột khoai mì, vừa tiếp tục phát triển thương hiệu bánh tráng Tây Ninh.
Nghĩ là vậy nhưng để làm ra bánh tráng từ bột khoai mì cũng không phải dễ. Sau rất nhiều thất bại, anh mới có thể làm ra được bánh tráng từ khoai mì như ý, trắng trong, mỏng và đặc biệt có thể cuốn trực tiếp mà không cần phải nhúng nước.
Bánh tráng không nhúng nước chính là đặc tính, thậm chí là điều làm nên thương hiệu cho ông chủ 8X này. Từ đó, sản phẩm được phân phối đi khắp cả nước, tiêu thụ mạnh nhất là khu vực miền Nam.
"Kênh phân phối ở miền Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ của chúng tôi hiện nay có khoảng 20.000 điểm bán. Sản phẩm có mặt hầu khắp siêu thị, cửa hàng tạp hóa. Từ ban đầu chào hàng, hiện bánh tráng Tân Nhiên đã có mặt khắp nơi nhờ tính năng không nhúng nước với nguyên liệu từ bột khoai mì là chính. Các bà nội trợ rất thích sản phẩm này", anh Duy hồ hởi nói.
Hiện nhiều sản phẩm bánh tráng của Tân Nhiên đã được công nhận OCOP 4 sao của tỉnh Tây Ninh.
Không chỉ bán trong nước, hiện bánh tráng không nhúng nước Tân Nhiên đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Anh Duy cho biết việc xuất khẩu được doanh nghiệp tập trung khoảng 1 năm trở lại đây.
Nhờ chuẩn chỉnh các tiêu chuẩn về sản xuất từ sớm nên khi tập trung xuất khẩu, phía đối tác qua kiểm tra nhà xưởng, sản phẩm đều gật đầu rất nhanh.
"Hiện chúng tôi xuất khẩu chính ngạch sang 7 quốc gia. Tuy nhiên, khi đi một số nước khác, chúng tôi cũng thấy bánh tráng của mình tại đó. Có thể vì được thương yêu nên nhiều người chia sẻ, mang ẩm thực Việt mình lan tỏa ra thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu trong tương lai", anh Duy nói.
Mới đây, bánh tráng Tân Nhiên được cấp chứng nhận bảo hộ tại Nhật Bản. Một điểm khá thú vị là phía Nhật cấp bảo hộ cho "Tan Nhiên Paper" chứ không phải "Rice Paper" như cách người nước ngoại gọi bánh tráng Việt Nam, vì trong sản phẩm không thành phần bột gạo.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, đánh giá chế biến xưa nay vẫn được coi là một mặt yếu của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ khi chúng ta đưa ra công thức phát triển tài nguyên bản địa, áp dụng công nghệ mới, thì đã có sự biến chuyển. Nếu bây giờ cạnh tranh về công nghệ với Pháp, Mỹ thì chúng ta thua nhưng bù lại, Việt Nam lại có những nguyên liệu bản địa rất đặc trưng và phong phú. Đó là cơ hội của chúng ta và nhiều người trẻ đã và đang khởi nghiệp thành công với nguồn tài nguyên bản địa này.