"Có những dự án bán hết từ năm 2015, nhưng đến bây giờ chưa có cơ sở quyết định quyền sử dụng đất là bao nhiêu, chưa có cơ sở cấp giấy chứng nhận cho người dân dù đã về ở. Rõ ràng đây là một nội dung rất tuyệt vời, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản như chúng tôi", ông Trung chia sẻ tại Tại Tọa đàm "Vận hội mới của thị trường bất động sản".
Ông Trung nói thêm, hiện, chủ đầu tư định hình sàng lọc rất rõ ràng. Nếu như chặng đường 10 năm, 15 năm trước đây, cứ có đất là sẽ góp vốn và trở thành một chủ đầu tư. Nhưng sắp tới có đất chưa chắc đã làm được vì liên quan đến đầu ra: Liệu nguồn cung sắp tới có phù hợp thị trường hay không, có được xã hội đón nhận hay không?
Còn về chiến lược của doanh nghiệp, tới đây, các luật có hiệu lực sẽ rõ ràng khái niệm căn hộ hạng sang, hoặc siêu sang. Điều này phù hợp với phát triển chung về sự gia tăng tầng lớp trung lưu của Việt Nam, cũng như trên thế giới.
Đối với đơn vị phân phối, ông Trung nói thêm, rõ ràng rất nhiều sàn đã có sự chuẩn bị để xây dựng bộ máy, cách thức hoạt động. Đặc biệt liên quan nhóm môi giới bất động sản, sẽ không được tự do, bắt buộc phải tham gia vào tổ chức.
"Nếu điều này được quản lý, chúng ta sẽ đo được chỉ số giao dịch, đồng nghĩa với việc sẽ có dữ liệu được xây dựng bằng rất nhiều nguồn khác nhau. Các quyết định, quyết sách liên quan đến việc tín dụng, điều tiết sẽ có cơ sở dữ liệu để làm", ông Trung nói.
Giám đốc Phát triển Kinh doanh của OneHousing nói thêm, hàng năm lượng kiều hối về là rất lớn. Từ trước đến nay dòng tiền này đa số phải đi qua người nhà, người quen nhưng tiềm tàng nhiều rủi ro mất tài sản, phần nào giảm dòng tiền. Khi mở được "nút thắt" này, lượng kiều hối cuối năm chắc chắn sẽ tạo cú hích cho thị trường rất lớn.
Tuy nhiên, quay lại yếu tố nguồn cung, ông Trung cho biết, dù luật có thông qua thì nguồn cung vẫn chưa thể cải thiện được. "Doanh nghiệp vẫn cần có thời gian chuẩn bị, rồi bấm nút, cơ quan nhà nước cũng cần thời gian để ra văn bản hướng dẫn.Nhưng chắc chắn doanh nghiệp nào có sẵn các pháp lý liên quan dự án như 1/500, quyết định sử dụng đất, năng lực tài chính, bộ máy có sẵn,... sẽ chớp được cơ hội, và định hình ra được doanh nghiệp nào chủ đạo dự án lớn, doanh nghiệp đi thị trường ngách", ông Trung lý giải.
Liên quan đến phần đất nền, trước đây trong chặng đường phát triển nóng, có lúc phân lô bán nền, có lúc siết lại, tạo ra hệ luỵ mắc kẹt nguồn vốn. Khi đã định hướng rõ sẽ đỡ được tình trạng phí đất đai, đỡ người dân mắc kẹt.Với góc nhìn doanh nghiệp, tôi tin rằng đây là một bước đà rất lớn, bắt đầu từ 1/9, sẽ phát triển bền vững. Tâm lý người dân đi mua bán sẽ hạn chế yếu tố đầu cơ, tạo sự bền vững cho thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tình hình các doanh nghiệp bất động sản, dự án bất động sản không chỉ khó khăn sau đợt khủng hoảng vừa rồi, mà khó khăn diễn ra cách đây khoảng 5 năm trước.
Có tới hàng nghìn dự án phải dừng lại không triển khai được nữa. Lý do các dự án không triển khai được là do vướng mắc về thể chế, pháp lý mâu thuẫn chồng chéo bất cập trong các quy định pháp luật. Từ đó, dẫn đến các dự án bất động sản phát hiện ra pháp lý chống chéo khi đúng cái này, lại vướng sai cái khác dẫn tới cơ quan quản lý không cấp phép được cho dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam
Tuy nhiên, ông Đính đánh giá cao việc Chính phủ phát hiện ra những vướng mắc, chồng chéo pháp lý, đã đưa vào sửa luật rất kịp thời. Điều này đã đáp ứng sự mong mỏi của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm, hôm nay 3 luật có hiệu lực, ông nhận được nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp bất động sản, luật có hiệu lực, chúng tôi có được tháo gỡ khó khăn không? Có được mở bán hàng không?
"Từ các luật có hiệu lực, với mỗi dự án, doanh nghiệp sẽ biết sai ở đâu để sửa, chính quyền cũng sẽ biết sai ở đâu và sửa, để cấp phép cho dự án theo đúng quy định pháp luật. Ngày hôm nay, có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, chính quyền vui mừng về luật có hiệu lực để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhưng kèm theo đó cũng sẽ có những lo âu.
Khách hàng cũng vui mừng vì hiểu được luật ban hành sẽ rất minh bạch, khi tham gia các dự án không lo rủi ro, không lo về dự án đang thi công giữa chừng phải dừng lại, không lo dự án hoàn thiện nhưng không được cấp sổ", ông Đính chia sẻ.
Về sản phẩm, khi luật có hiệu lực, các sản phẩm sẽ có pháp lý rõ ràng hơn, quy định rõ hơn. Chủ đầu tư sẽ biết được làm thế nào để người dân được cấp sổ hồng, làm thế nào để chung cư mini được cấp sổ hồng? Tuy nhiên, những dự án chưa đủ điều kiện sẽ bị loại ra để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Các dự án như condotel, căn hộ nghỉ dưỡng cũng sẽ được định danh rõ nét hơn, để khẳng định được tính sở hữu, tính chủ quyền của nhà đầu tư khi tham gia đầu tư. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp bất động sản mạnh mẽ, minh bạch, tự tin đầu tư vào thị trường này.
"Tôi đánh giá đây là luật chất lượng nhất từ trước đến nay, thu hút được sự phát triển của nhà đầu tư. Ngày hôm nay, chính là ngày mong đợi nhất của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng. Vấn đề là Chính phủ sẽ áp dụng và ban hành các văn bản dưới luật kèm theo luật thực hiện như thế nào", ông Đính nhấn mạnh.