Dân Việt

“Đòn bẩy” 74 tỷ đồng từ nguồn vốn này của Hội Nông dân Bắc Giang giúp hội viên phát triển kinh tế nông nghiệp

Đức Thịnh 03/08/2024 07:12 GMT+7
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả. Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn này, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn hội viên đẩy mạnh liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, tăng thu nhập.

Hội Nông dân Bắc Giang nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND

Tại huyện Tân Yên, hiện Quỹ HTND toàn huyện đạt hơn 8,7 tỷ đồng. Nhờ kênh dẫn vốn này, hàng trăm lượt hộ hội viên được vay vốn và sử dụng tài chính đúng mục đích để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình cho hiệu quả, được nhân rộng. Đơn cử như mô hình trồng lặc lày (còn gọi là mướp mèo, mướp Nhật) của hội viên nông dân xã Lan Giới.

Năm 2022, 6 hộ hội viên nông dân của xã Lan GIới được vay mức 50 triệu đồng/hộ để phát triển mô hình nói trên. Cây lặc lày hợp thổ nhưỡng, thời tiết địa phương, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng, phát triển tốt, cho lãi từ 15-20 triệu đồng/sào. Vụ mùa năm nay, nhiều hộ đã mở rộng diện tích từ 1-3 sào, có đầu ra ổn định.


74 tỷ đồng từ nguồn vốn này của Hội Nông dân Bắc Giang giúp hội viên phát triển kinh tế nông nghiệp- Ảnh 1.

Nông dân giỏi tỉnh Bắc Giang đầu tư mô hình nuôi gà thương phẩm hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND. Ảnh: Lệ Thanh

74 tỷ đồng từ nguồn vốn này của Hội Nông dân Bắc Giang giúp hội viên phát triển kinh tế nông nghiệp- Ảnh 2.

"Hai việc mà Bắc Giang đang làm rất tốt hiện nay là tăng trưởng Quỹ HTND hàng năm và ngày càng nhiều số nông dân cài đặt nền tảng công nghệ số. Bắc Giang đã ban hành đề án thực hiện Nghị định số 37 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND".

Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch
Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang

Ông Nguyễn Anh Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Yên chia sẻ: Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND không nhiều nhưng rất ý nghĩa, nhất là với các hội viên khó khăn có thể xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Quá trình lựa chọn, xây dựng dự án Quỹ HTND, Hội Nông dân các cấp của huyện Tân Yên quan tâm định hướng người dân thực hiện các dự án sản xuất cây trồng, vật nuôi hoặc ngành nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng nguồn vốn; thường xuyên đánh giá tính khả thi của các dự án; quan tâm nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Hơn 1.500 hộ vay vốn thực hiện 364 dự án

Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh Bắc Giang đạt hơn 74,3 tỷ đồng, tăng hơn 3,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024; trong đó, vốn T.Ư Hội ND ủy thác gần 16,5 tỷ đồng; còn lại do cấp tỉnh, huyện, xã xây dựng. 

Đến nay, quỹ đã giải ngân hơn 74 tỷ đồng cho 1.538 hộ vay thực hiện 364 dự án liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, làng nghề. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình như: Mô hình trồng na Thái theo hướng VietGAP (huyện Lục Nam); trồng sâm Nam núi Dành, ổi Đài Loan theo hướng VietGAP, trồng măng lục trúc (Tân Yên); nuôi ong lấy mật (Sơn Động)…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn nói: "Hai việc mà Bắc Giang đang làm rất tốt hiện nay là tăng trưởng Quỹ HTND hàng năm và ngày càng nhiều số nông dân cài đặt nền tảng công nghệ số. Bắc Giang đã ban hành đề án thực hiện Nghị định số 37 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND.

Chúng tôi cho vay xây dựng mô hình Quỹ HTND hiệu quả, hiện không có dư nợ quá hạn, cho nông dân vay đầu tư cây con giống mới rất hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thấy Hội Nông dân thực hiện tốt, rất đồng thuận".

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội duy trì hoạt động cho vay của quỹ gắn với các nhiệm vụ trọng tâm như: Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả; thành lập tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP... 

Đồng thời, các cấp Hội thực hiện việc thu và luân chuyển vốn đúng quy định; giải ngân quay vòng vốn kịp thời; lựa chọn xây dựng các mô hình, dự án phù hợp với lợi thế của địa phương; ưu tiên dự án có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.