Hội nghị giao ban hoạt động ủy thác tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm 2024

PV Thứ sáu, ngày 02/08/2024 19:07 PM (GMT+7)
Ngày 2/8, tại trụ sở Trung ương Hội NDVN (Hà Nội) đã diễn ra hội nghị giao ban định kỳ về hoạt động ủy thác tín dụng chính sách giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức chính trị-xã hội. Đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN và đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH cùng chủ trì hội nghị.
Bình luận 0

Tham gia hội nghị giao ban định kỳ về hoạt động ủy thác tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm 2024 có đại diện lãnh đạo của Ngân hàng CSXH; Trung ương Hội NDVN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày những nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung, trong đó nhấn mạnh đến tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2024. Hội nghị giao ban được tổ chức trong không khí nhiều địa phương đang tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Hơn 405.000 lao động có việc làm, có thu nhập nhờ vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam phát biểu khai mạc hội nghị giao ban giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị-xã hội về hoạt động ủy thác tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đồng chí Phạm Tiến Nam, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, các tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo hỗ trợ hội viên, đoàn viên tích cực trong sản xuất, kinh doanh, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách vươn lên ổn định cuộc sống. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt được những kết quả đáng phấn khởi; tình hình an ninh-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn ổn định; đời sống cư dân nông thôn, trong đó có các đối tượng chính sách được đảm bảo...

Đồng chí Phạm Tiến Nam khẳng định, kết quả hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động tín dụng cho các đối tượng chính sách ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội nói riêng đã trực tiếp góp phần vào tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp và đất nước, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hơn 405.000 lao động có việc làm, có thu nhập nhờ vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị giao ban giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị-xã hội về hoạt động ủy thác tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đồng chí Phạm Tiến Nam, hội nghị giao ban là một trong những dịp để Ngân hàng CSXH, các tổ chức chính trị-xã hội cùng phân tích, đánh giá kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024; thảo luận đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hoạt động ủy thác trong 6 tháng cuối năm. Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam cũng đề nghị các đại biểu tích cực chia sẻ, phát huy những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để từ đó nâng cao chất lượng của tín dụng chính sách...

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Ngân hàng CSXH, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn NTCS HCM, Hội LHPN Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã báo cáo những kết quả nổi bật trong việc tham gia thực hiện hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách; nêu những hoạt động trọng tâm trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng CSXH; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn; sử dụng hiệu quả đồng vốn; nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách...

Báo cáo của Ngân hàng CSXH cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị-xã hội đã chủ động bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết của Hội đồng quản trị để triển khai thực hiện tốt hoạt động ủy thác, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Về nguồn vốn, trong 6 tháng đầu năm 2024, tính đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt gần 372.940 tỷ đồng, tăng thêm 26.516 tỷ đồng so với năm 2023. Đáng chú ý, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt tới 46.983 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng nguồn vốn.

Hơn 405.000 lao động có việc làm, có thu nhập nhờ vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH- Ảnh 3.

Hơn 405.000 lao động có việc làm, có thu nhập nhờ vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH- Ảnh 4.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến thảo luận tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là một trong những điểm sáng của hoạt động tín dụng chính sách trong nửa đầu năm 2024. Điều này thể hiện rằng, chính quyền các địa phương thêm tin tưởng hơn vào mô hình, hoạt động của Ngân hàng CSXH cũng như đánh giá cao hiệu quả tác động đến phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an sinh xã hội của dòng vốn tín dụng chính sách của Chính phủ. Vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cũng góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của người dân, đồng thời khẳng định tính bảo toàn, phát triển của nguồn vốn bổ sung từ ngân sách nhà nước...

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Hải khẳng định, hoạt động ủy thác tín dụng chính sách đã đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã ban hành từ đầu năm 2024. Có được kết quả đáng phấn khởi đó là nhờ Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung, nỗ lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 111 của Quốc hội; Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. 

"Mỗi tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy thế mạnh của mình trong việc đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng; hỗ trợ, hướng dẫn người vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả; đảm bảo an toàn vốn...", ông Nguyễn Đức Hải khẳng định. 

Ông Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh một số nội dung, công việc trọng tâm, trọng điểm của hoạt động ủy thác tín dụng chính sách trong 6 tháng cuối năm 2024, trong đó có việc tham mưu, đề xuất tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Việc tham mưu, đề xuất này rất cần sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 405.000 lao động, trong đó có 4.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 4.200 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 242.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.021.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 647 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 2.600 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem