Vườn Quốc gia Tràm Chim vủng trũng Đồng Tháp Mười ở tỉnh Đồng Tháp là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới.
Địa phương đã khai đã thác lợi thế tự nhiên phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với quản lý, phát triển bền vững “Đồng Tháp Mười thu nhỏ” này ở Đồng Tháp.
Đến Tràm Chim vào lúc bình minh hay hoàng hôn là thời điểm lý tưởng để du khách di chuyển trên xuồng kéo len lỏi vào sâu trong vườn ngắm các loài cò, chim cổ rắn (điên điển), diệc xám, trích cồ… Gần đây, nhiều khách du lịch được trải nghiệm một buổi sáng thú vị tại Vườn quốc gia Tràm Chim với tour “Bình minh Tràm Chim” khi mặt trời chưa ló dạng.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Trần Thị Kim Hương ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cùng bạn bè đến tham quan hệ sinh thái đất ngập nước mang nét đặc trưng của vùng đất trũng Đồng Tháp Mười tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
“Sáng sớm, tiết trời mát rượi, ngồi trên xuồng len lỏi giữa tán rừng tràm, sau đó, dừng lại giữa khu vực đồng nước để vừa ngắm mặt trời dần lên cao, vừa hít thở bầu không khí trong lành, cảm giác thật tuyệt vời. Tôi còn tận mắt thấy những loài chim, nhiều loài cây mà trước đây chỉ bắt gặp trong tivi và mạng xã hội” - chị Hương cho hay.
Hoạt động du lịch ở Tràm Chim diễn ra quanh năm nhưng có một số sản phẩm du lịch đặc trưng theo mùa.
Đàn chim hoang dã như loài cò bay lượn, tìm thức ăn trên cánh đồng gần vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An/TTXVN.
Mùa hoa nhĩ cán tím - hoa của một loại rong sống ở vùng đất ngập nước bắt đầu nở thường cuối tháng 1 hằng năm và kéo dài khoảng 2 tháng. Nối tiếp là mùa hoa hoàng đầu ấn, đây là loài hoa “đặc sản” của vùng đất chua phèn, mọc tự nhiên ở khu vực hoang sơ, hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng trũng Đồng Tháp Mười.
Khoảng tháng 3 - 5 hằng năm, du khách đến đây được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của hoa hoàng đầu ấn, hoa nở rộ, vàng rực cả cánh đồng rộng hơn 20 ha. Nhưng Tràm Chim có lẽ đẹp nhất vào mùa nước nổi khoảng tháng 9 âm lịch.
Lúc ấy, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về phủ ngập cánh đồng, biến Tràm Chim thành một “ốc đảo” giữa trời nước mênh mông, rực lên màu vàng hoa điên điển, màu tím hoa súng pha lẫn sắc hồng của những cánh sen, màu xanh mướt của rừng tràm…
Chị Đặng Bích Hân ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cùng người thân, bạn bè đến Tràm Chim để tham quan cánh đồng hoa hoàng đầu ấn khá sớm và ngạc nhiên vì không ngờ ở miền Tây có cánh đồng hoa đẹp như vậy, dù quãng đường từ ngoài vào phải đi xe mô tô và 2 đoạn đường di chuyển bằng tắc ráng (thuyền nhỏ và dài, có gắn máy) và phải lội bùn.
Theo ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Khu Du lịch Tràm Chim, đơn vị tổ chức đa dạng hóa các dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm dịch vụ theo mùa, mang nét đặc trưng và độc đáo của vùng Đồng Tháp Mười để thu hút khách tham quan, trải nghiệm, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an toàn cho du khách.
Riêng năm 2023, Khu Du lịch Tràm Chim đón tiếp hơn 58.700 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; trong đó có gần 1.000 lượt khách quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh định vị Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong những nơi để du khách đến tham quan, trải nghiệm, hiểu hơn về hệ sinh thái đất ngập nước.
Khai thác du lịch trên tinh thần tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn tại Vườn quốc gia Tràm Chim và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan định hướng người dân tham gia thực hiện những hoạt động du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch nơi đây một cách bền vững.
Để bảo vệ đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Tràm Chim, chính quyền địa phương chú trọng phát triển các hoạt động sinh kế, tăng thu nhập cho người dân gắn với quản lý vườn.
Huyện Tam Nông có một thị trấn và 11 xã; trong đó, vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim nằm trong địa giới hành chính của 5 xã và một thị trấn, cũng là nơi sinh sống của hơn 46.000 người.
Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp; một bộ phận có nghề truyền thống như đan ghế nhựa, đan lục bình, làm khô, làm nhang và làm thuê phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim, hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự thay đổi chế độ thủy văn đã gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là việc điều tiết mực nước bảo đảm sự thích nghi của các loài bên trong các phân khu của vườn quốc gia.
Bên cạnh đó, một số người dân sống quanh vườn sinh kế không ổn định, thường xuyên đánh bắt thủy sản trái phép, “ăn” ong vào mùa khô, chăn thả gia súc trái phép, đánh bắt các loài động vật hoang dã từ bên ngoài vườn... đã gây nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và quản lý sinh thái vùng đất ngập nước của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tam Nông đã xây dựng Đề án “Phát triển sinh kế vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim” trên cơ sở vừa tạo thêm sinh kế, vừa bảo vệ đa dạng sinh học, dung hòa mâu thuẫn giữa lợi ích sinh kế và lợi ích bảo tồn.
Các xã vùng đệm và Vườn quốc gia tham mưu UBND huyện lập kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các lao động nhằm ổn định sinh kế. Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ sớm triển khai đề án phát triển các loại hình du lịch sinh thái tại vườn đã được tỉnh phê duyệt nhằm giải quyết việc làm, tạo thêm sinh kế cho người dân, từ đó giảm áp lực tác động xâm hại vườn.
Những nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái bước đầu cho tín hiệu đáng mừng. Những ngày gần đây, trên cánh đồng ở quanh vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim xuất hiện đàn cò với số lượng lên đến hàng nghìn con, bay lượn và tìm kiếm thức ăn trên đồng ruộng, tạo nên “bức tranh” vô cùng đẹp mắt và ấn tượng. Trong đó, có những loại cò quý hiếm như cò quắm, cò ốc (cò nhạn).
UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 184 tỷ đồng.
Việc này được kỳ vọng không những khôi phục được đàn sếu mà còn phục hồi cả hệ sinh thái Tràm Chim; duy trì hệ Ramsar - vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.