Dân Việt

Elon Musk chấp nhận lời đề nghị thách đấu của Tổng thống Venezuela

V.N (Theo RT, Reuters) 02/08/2024 11:18 GMT+7
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc CEO SpaceX và Tesla cố gắng phá hoại hòa bình và ổn định tại quốc gia Nam Mỹ này.
Elon Musk chấp nhận lời đề nghị thách đấu của Tổng thống Venezuela- Ảnh 1.

Người biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống ở Venezuela. Ảnh: Reuters.


Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ Venezuela, người vừa giành được nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống, đã cáo buộc CEO SpaceX và Tesla Elon Musk hôm 28/7 về hành vi cố gắng phá hoại hòa bình và ổn định tại đất nước của ông và gọi doanh nhân này là "kẻ thù không đội trời chung". 

Tuyên bố của doanh nhân Musk rằng đã có "gian lận bầu cử lớn"  ở Venezuela khiến ông Maduro tức giận và trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông đã thách đấu với tỷ phú này.

Đến ngày 1/8, đã phản hồi lời thách đấu của Tổng thống Venezuela, Musk nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận.

Musk sau đó còn viết: "Nếu tôi thắng, ông ta sẽ từ chức nhà độc tài Venezuela. Nếu ông ta thắng, tôi sẽ cho ông ta một chuyến đi miễn phí đến sao Hỏa".

Giám đốc điều hành SpaceX có nhiều lần kích động những người của công chúng vào cuộc chiến. Tỷ phú công nghệ này từ lâu đã tuyên bố rằng ông ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại người sáng lập Facebook, ông trùm Mark Zuckerberg.

Cuộc cãi vã giữa Musk và nhà lãnh đạo Venezuela diễn ra sau bài đăng của doanh nhân này về kết quả bầu cử tổng thống của quốc gia Nam Mỹ. Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE) của Venezuela hôm Chủ Nhật tuyên bố Maduro là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, thông báo rằng với 80% số phiếu được kiểm, ông đã giành được hơn 51% số phiếu bầu, so với 44% của đối thủ chính của mình, Edmundo Gonzales.

Kết quả bầu cử đã gây biểu tình và bạo loạn khắp nơi ở Venezuela, khi cả phe đối lập và ông Maduro cáo buộc bên kia gian lận kết quả.

Tổng thống 3 nước láng giềng của Venezuela đã ra tuyên bố chung ngày 1/8 kêu gọi công bố phiếu bầu: "Chúng tôi kêu gọi các cơ quan bầu cử ở Venezuela hành động nhanh chóng và công khai kết quả bỏ phiếu chi tiết" - theo tuyên bố chung sau cuộc điện đàm giữa các tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil, Andres Manuel Lopez Obrador của Mexico và Gustavo Petro của Colombia.

"Các tranh chấp xung quanh quá trình bầu cử phải được giải quyết thông qua các biện pháp thể chế… Trong bối cảnh này, chúng tôi kêu gọi các lực lượng chính trị và xã hội thận trọng và kiềm chế tối đa trong các cuộc biểu tình và sự kiện công cộng của họ để tránh bạo lực leo thang" - tuyên bố lưu ý và nhắc lại sự ủng hộ với nỗ lực đối thoại và tìm kiếm các thỏa thuận có lợi cho người dân Venezuela.

Các tổng thống hiện tại của Brazil, Colombia và Mexico theo truyền thống thân thiện hơn với ông Maduro và có lập trường trung lập hơn về cuộc bầu cử.

Mỹ và nhiều nước khác cho biết tuyên bố của cơ quan bầu cử về việc ông Maduro là người chiến thắng "không có bằng chứng hỗ trợ" và nên công nhận thắng lợi của ông Gonzalez. Đáp lại những lời chỉ trích từ bên ngoài liên quan đến bầu cử, Venezuela đã trục xuất các nhà ngoại giao Argentina và các quốc gia khác - Chile, Costa Rica, Panama, Cộng hòa Dominica và Uruguay.

Trong khi đó Nga cho rằng phe đối lập Venezuela phải thừa nhận thất bại. Ngoài ra, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cảnh báo các nước thứ ba không nên hỗ trợ các nỗ lực nhằm làm bất ổn tình hình Venezuela.

Tòa án Công lý Tối cao Venezuela hôm 1/8 đã chấp nhận yêu cầu của ông Maduro về việc tất cả các ứng cử viên tổng thống trình bày số phiếu bầu của họ tại phiên họp vào thứ Sáu, ngày 2/8, chủ tọa tòa án Caryslia Beatriz Rodriguez cho biết trên truyền hình nhà nước.

Maduro khẳng định đảng Xã hội của ông đã sẵn sàng trình bày tất cả số phiếu bầu và yêu cầu Tòa án Công lý Tối cao đảm bảo tất cả các đảng cũng làm như vậy.

Phe đối lập Venezuela cho biết theo kiểm đếm của họ với khoảng 90% số số phiếu bầu cho thấy ứng cử viên đối lập Edmundo Gonzalez nhận được sự ủng hộ gấp đôi so với tổng thống đương nhiệm, phù hợp với cuộc thăm dò độc lập được tiến hành trước cuộc thi.

Các cuộc biểu tình phản đối đã dẫn tới sự đối đầu trực tiếp giữa cảnh sát và người biểu tình, nhiều đồn cảnh sát bị đốt phá, nhiều địa điểm bị phá hoại. 

Cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.200 người biểu tình và cáo buộc họ phá hủy cơ sở hạ tầng của chính phủ, kích động hận thù và khủng bố. Quân đội nói rằng các cuộc biểu tình là nỗ lực đảo chính. Tuy nhiên tình hình đã dịu đi, nhiều nơi đã trở lại bình thường ngày 1/8.