Tham dự và chủ trì chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các đồng chí đại diện các Vụ, Cục, Trung tâm và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại diện Agribank tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Agribank; lãnh đạo các đơn vị tại Trụ sở chính, một số chi nhánh của Agribank và lãnh đạo Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp.
Đề án vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn là dấu mốc quan trọng để phát triển các chuỗi giá trị nông sản hiệu quả, bền vững, trong bối cảnh đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mục tiêu của Đề án là hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu nông, lâm sản tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến chỉ đạo: “Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững, từ đó hiện đại hóa nền nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư, giảm chi phí rủi ro trong sản xuất và thương mại sản phẩm… Do đó, cần đáp ứng các yêu cầu: xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở đảm bảo liên kết chuỗi từ khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân; xây dựng trên cơ sở nhu cầu của thị trường, phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên của từng vùng; phát triển gắn với đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị; triển khai đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.”
Đề án gồm 5 vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng núi phía Bắc, gỗ rừng trồng vùng Duyên hải miền Trung, cà phê Tây Nguyên, lúa gáo vùng Tứ Giác Long xuyên, cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ, trong đó Agribank cũng như các NHTM tài trợ một phần vốn đối ứng để thực hiện Đề án. Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Minh Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, Agribank đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp, UBND tỉnh, TP và các Sở, Ban, Ngành địa phương nhằm triển khai có hiệu quả Đề án, phổ biến và giao trực tiếp các Chi nhánh trên địa bàn triển khai, tiếp cận danh sách các đối tượng tham gia Đề án, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cá nhân, hộ gia đình… hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục vay vốn. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng ngay từ khi hình thần dự án, tài sản thế chấp,...
Agribank đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ khách hàng sản xuất kinh doanh với khoảng 200.000 tỷ đồng cho các chương trình tín dụng ưu đãi đa dạng, linh hoạt. Bên cạnh đó, Agribank cũng đang tích cực thực hiện chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh để góp phần xanh hóa hoạt động ngân hang
Trong số 14 doanh nghiệp tham gia Đề án, Agribank đã hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho 7 doanh nghiệp, 3 doanh nghiệp đã có quan hệ tín dụng với các chi nhánh của Agribank, với tổng dư nợ hiện tại là 482 tỷ đồng. Đối với các hợp tác xã, Agribank đã chủ động tiếp cận hầu hết các hợp tác xã tham gia phát triển Vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, hỗ trợ các hợp tác xã sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cấp tín dụng khi có nhu cầu.
Với tỷ trọng cho vay "Tam nông" trong những năm qua luôn ở mức 65-70% tổng dư nợ, Agribank xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành, luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng Tam nông vay vốn.
Trong thời gian tới, Agribank cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng ưu đãi, mở rộng hỗ trợ tài chính cho các khách hàng, góp phần vào việc xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; cùng Bộ Nông nghiệp hướng đến hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.