Dân Việt

Lời dặn dò chia tài sản trước khi mất có được coi là di chúc?

Thành Nam 04/08/2024 12:23 GMT+7
Theo luật gia Trần Quốc Tuấn, nếu trước lúc mất mà người lập di chúc có dặn dò về việc để lại tài sản cho người thân thì họ cần ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, sau đó cần công chứng để thỏa mãn các điều kiện của di chúc bằng miệng.

Bạn đọc Hoàng Hà (Hà Nội) hỏi: 

Trước khi mất, bố tôi có dặn dò 2 anh em tôi rằng toàn bộ tài sản gồm 10.000m2 đất cùng ngôi nhà của ông để lại cho 2 anh em tôi mỗi người một nửa. Thời điểm dặn dò chỉ có tôi với bác tôi. Vậy xin hỏi lời dặn dò này của bố tôi có được xem là di chúc không?

Trả lời: 

Luật gia Trần Quốc Tuấn (Chi hội luật gia, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc phải được lập thành văn bản. Nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Cụ thể hơn, điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc miệng như sau: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Lời dặn dò chia tài sản trước khi mất có được coi là di chúc?- Ảnh 1.

Lời dặn dò chia tài sản trước khi mất của bố có được coi là di chúc nếu như đáp ứng các quy định của pháp luật. Ảnh minh họa. Ảnh: Thái Nguyễn.

Theo luật gia Trần Quốc Tuấn, để di chúc miệng được coi là hợp pháp, cần đáp ứng điều kiện chung về di chúc hợp pháp và điều kiện riêng về tính hợp pháp của di chúc miệng theo quy định tại điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Bởi vậy, nếu trước lúc chết mà người lập di chúc có dặn dò về việc để lại tài sản cho người thân thì bác bạn cần ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, sau đó cần công chứng, hoặc chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ thì mới thỏa mãn điều kiện của di chúc bằng miệng.