Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 74, quy định về mức tiền lương tối thiểu vùng 2024. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 2024 Quảng Nam được quy định theo như nghị định này, áp dụng cho 3 vùng kinh tế là vùng II, vùng III và vùng IV.
Cụ thể mức lương tối thiểu vùng áp dụng tại 3 vùng ở Quảng Nam như sau:
Vùng II gồm: thành phố Hội An, Tam Kỳ, mức lương tối thiểu vùng là 4.410.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng theo giờ là 21.200 đồng/giờ.
Vùng III gồm: Thị xã Điện Bàn; Các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn, Phú Ninh, Thăng Bình. Mức tiền lương tối thiểu vùng 2024 áp dụng cho vùng III là 3.860.000 đồng/tháng; tiền lương tối thiểu vùng theo giờ là 18.600 đồng/giờ.
Vùng IV: gồm các huyện Bắc Hà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. Mức lương cụ thể là 3.450.000 đồng/tháng và 16.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu vùng là mức lương áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; lao động làm việc tại các hợp tác xã, lao động làm việc tự do không có hợp đồng lao động tại Quảng Nam.
Theo báo cáo toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 1,1 triệu lao động, trong đó có khoảng 61 nghìn lao động của tỉnh này đang làm việc tại 14 khu công nghiệp, chế xuất. Lương tối thiểu vùng 2024 tăng sẽ tác động rất lớn tới đời sống của công nhân, lao động nhất là nhóm công nhân làm khu công nghiệp.
So với mức tiền lương tối thiểu 2023 áp dụng tại Quảng Nam thì mức tiền lương tối thiểu vùng 2024 Quảng Nam mới nhất áp dụng từ 1/7 không có sự khác biệt về vùng. Mức lương này vẫn được áp dụng cho 3 vùng, các địa danh được giữ như cũ. Có chăng chỉ là tăng thêm 6% theo quy định của Chính phủ.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đa phần người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được trả tiền lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2024. Nhiều doanh nghiệp chỉ lấy lương tối thiểu vùng làm căn cứ để tính đóng BHXH.
Các doanh nghiệp ở Quảng Nam cần lưu ý 3 điều khi áp dụng lương tối thiểu trả cho người lao động.
Đầu tiên, lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất dùng làm căn cứ để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động cùng lao động dựa vào mức lương tối thiểu vùng hàng năm được Chính phủ quy định để thương thảo về tiền lương.
Thứ 2, mức lương này chỉ được làm mức sàn tối thiểu để đàm phán tiền lương, nếu doanh nghiệp trả tiền lương thấp hơn mức tiền lương tối thiểu, hoặc chậm trả, nợ trả thì sẽ bị xử phạt.
Mức độ xử phạt từ 20 -75 triệu đồng, tùy từng hành vi, quy mô... Nội dung này được ghi cụ thể tại khoản 3, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ về mức xử phạt đối với hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 2024.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần.
Như vậy, nếu chủ sử dụng tại Quảng Nam mà trả lương tối thiểu vùng 2024 thấp hơn lương tối thiểu vùng 2024 Quảng Nam thì công ty ngoài bị phạt tiền còn bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động. Người lao động làm việc tại Quảng Nam nên nắm thông tin này để xử lý khi bị chậm trả lương hoặc trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 2024.