Dân Việt

Bắc Kạn: Dân bản Dao bắt tay cùng đưa miến dong cổ truyền tráng bằng tay thành mặt hàng "hot"

Chiến Hoàng 05/08/2024 18:55 GMT+7
Từ việc trồng dong riềng, chế biến thủ công các sản phẩm từ củ dong riềng phục vụ nhu cầu thường nhật, người Dao ở thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã kết nối, đưa miến dong tráng tay cổ truyền trở thành mặt hàng "hot" không chỉ tại thị trường Bắc Kạn.

Thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương cách trung tâm huyện Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn chừng 15km. Đồng bào Dao trong thôn từ xa xưa đã có nghề làm miến dong tráng tay cổ truyền. Cũng không biết tự bao giờ, chỉ biết hầu hết các gia đình trong thôn gần như ai cũng biết làm miến.

Bắc Kạn: Dân bản Dao bắt tay cùng đưa miến dong cổ truyền tráng bằng tay thành mặt hàng hot- Ảnh 1.

Quá trình pha bột tại nhà chế biến miến dong tráng tay cổ truyền ở thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Giữa lưng chừng ngọn núi Phiêng Phàng, khi chúng tôi đến, các bà, các mẹ, các chị trong trang phục người Dao đang hì hụi, mỗi người mỗi việc để cho ra lò những tấm miến tráng nóng hôi hổi. Hôm nay nắng đẹp, công việc chế biến miến dong tráng tay cổ truyền nơi đây cũng trở nên tất bật hơn.

Bà Triệu Thị Tâm (thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, trước đây bà cũng làm nhưng khi ấy phục vụ nhu cầu gia đình là chủ yếu. Sản phẩm khi đó cũng không được đẹp, chất lượng cũng không được như bây giờ. Từ khi liên kết với HTX Nông nghiệp Yến Dương, thực hiện trồng dong riềng theo hướng hữu cơ, theo quy trình được hướng dẫn, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Bắc Kạn: Dân bản Dao bắt tay cùng đưa miến dong cổ truyền tráng bằng tay thành mặt hàng hot- Ảnh 2.

Một mẻ bánh miến được đưa lên giá phơi tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

"Nay nắng đẹp, chúng tôi phải tranh thủ tráng miến để kịp phơi. Nói chung công việc cũng tất bật luôn chân, luôn tay, nhưng ai cũng phấn khởi. Cũng lâu rồi không có được ngày nắng đẹp như vậy. Từ nghề chế biến miến dong tráng tay cổ truyền, miến dong Yến Dương cũng được người ta biết đến và ưa chuộng hơn khi có HTX Nông nghiệp Yến Dương liên kết với bà con" - bà Tâm chia sẻ.

Theo bà Tâm, việc tráng miến quan trọng nhất là khâu pha chế bột, tiếp đến mới là tráng. Bột phải vừa đảm bảo độ dẻo, không được loãng quá. Khi làm lâu năm rồi thì cảm nhận là chính, từ việc cảm nhận độ dẻo của bột đến mức cháy của lửa, thời gian mở vung.

Bắc Kạn: Dân bản Dao bắt tay cùng đưa miến dong cổ truyền tráng bằng tay thành mặt hàng hot- Ảnh 3.

Bà Triệu Thị Tâm chia sẻ về nghề làm miến dong tráng tay cổ truyền của thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

"Nếu để gia đình sử dụng thì sao cũng được nhưng đã trở thành sản phẩm, cung ứng ra thị trường thì những khâu kể trên đặc biệt cần chú ý. Có đảm bảo được những khâu đó thì mới cho ra được sản phẩm miến dong chất lượng, mới thu hút được người tiêu dùng. Chính bởi đó mà chúng tôi luôn phải rất cẩn trọng trong từng khâu, dù là nhỏ nhất khi tráng miến" - bà Tâm cho biết thêm.

Bắc Kạn: Dân bản Dao bắt tay cùng đưa miến dong cổ truyền tráng bằng tay thành mặt hàng hot- Ảnh 4.

Miến dong tráng tay cổ truyền được đưa ra khỏi nhà chế biến tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Nhìn những mẻ miến tráng được đưa lên giá, khói bốc nghi ngút cùng mùi miến ngầy ngậy từ những đôi bàn tay khắc khổ của các bà, các mẹ trên bản Dao Phiêng Phàng, dù người có hời hợt đến mấy cũng có thể cảm nhận được sự nâng niu, chăm chút, tỉ mỉ của những người làm ra chúng.

Bà Triệu Thị Mản (thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bộc bạch, việc trồng và sơ chế củ dong riềng ở Phiêng Phàng bây giờ khác xưa nhiều lắm. Trước đây, khâu sơ chế hoàn toàn thủ công, từ thu hái đến cắt củ, rửa, xát nghiền, lọc lấy bột đều thủ công 100%. Còn hiện nay, bà con dùng máy móc hết, chỉ còn pha bột và tráng miến vẫn làm thủ công.

"Giá cả bây giờ cũng rất ổn định, sản phẩm được làm ra từ những diện tích dong riềng trồng theo hướng hữu cơ được rất nhiều người ưa chuộng. Chính vì đó mà người dân ở xã Yến Dương nói chung và đặc biệt là thôn Phiêng Phàng chúng tôi, bà con đang tăng dần diện tích trồng cây dong riềng" - bà Mản nói.

Bắc Kạn: Dân bản Dao bắt tay cùng đưa miến dong cổ truyền tráng bằng tay thành mặt hàng hot- Ảnh 5.

Phơi miến dong tráng tay tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Đồng bào Dao thôn Phiêng Phàng nhận định, cây dong riềng và nghề chế biến miến dong tráng tay cổ truyền đã và đang giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trao đổi với chúng tôi, bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Yến Dương cho biết, những năm gần đây, HTX đã xây dựng được xưởng, mua sắm được thiết bị, máy móc, thiết kế được mẫu mã, bao bì đẹp, nâng cao được chất lượng. Sản phẩm miến dong của HTX đã đạt OCOP 3 sao và đang lập hồ sơ để thẩm định lên 4 sao.

Bắc Kạn: Dân bản Dao bắt tay cùng đưa miến dong cổ truyền tráng bằng tay thành mặt hàng hot- Ảnh 6.

Thành viên HTX Nông nghiệp Yến Dương vận hành giàn phơi miến tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

"Từ nghề làm miến dong tráng tay cổ truyền của bà con nơi đây, thông qua liên kết, đầu tư, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây dong riềng theo hướng hữu cơ, HTX chúng tôi đã đưa ra được thị trường sản phẩm miến dong đảm bảo chất lượng, xây dựng được thương hiệu với đặc trưng thơm, ngon tự nhiên.

Đây cũng là một trong những cách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống từ nghề làm miến dong cổ truyền. Song song với đó, chúng tôi tạo cho khách hàng, đối tác những trải nghiệm thú vị khi đến với làng nghề.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao gìn giữ được những nét văn hóa bản địa, dựa vào đó để tạo thu nhập. Thông qua miến dong tráng tay cổ truyền và miến dong chế biến theo phương thức hiện đại, chúng tôi đã đáp ứng được thị trường cả về số lượng và chất lượng" - bà Ninh khẳng định.

Miến dong tráng tay cổ truyền là sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Ba Bể. Đây là thành quả của cả một quá trình lao động sản xuất sáng tạo từ những tri thức dân gian quý báu được người dân huyện Ba Bể gìn giữ, bảo tồn. Cùng với đó là sự kết hợp với khoa học công nghệ tiên tiến hiện nay. Bên cạnh chất lượng tốt, quy trình sản xuất khép kín an toàn hữu cơ, sản phẩm còn mang tính đại diện và truyền thống của địa phương, tạo nên tập quán canh tác và văn hóa ẩm thực không chỉ của huyện Ba Bể.

(Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn)