Dân Việt

Trước ông chủ đậu phộng Tân Tân, nhiều "đại gia" bị khởi tố tội Trốn thuế, chịu án phạt nặng

Xuân Huy - Chinh Hoàng 06/08/2024 07:13 GMT+7
Ông Trần Quốc Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Tân vừa bị truy tố về tội "Trốn thuế" và "Không chấp hành bản án". Thực tế, thời gian qua có rất nhiều chủ doanh nghiệp từng dùng các thủ đoạn tinh vi để trốn thuế.

VKSND TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Trần Quốc Tân (SN 1963, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Tân, chuyên sản xuất đậu phộng) về tội "Không chấp hành bản án" và "Trốn thuế".

Cùng vụ án trên, ông Trần Quốc Tuấn (SN 1968, em trai ông Tân, thành viên HĐQT Công ty CP Tân Tân) bị cáo buộc tội "Không chấp hành bản án".

Theo cáo trạng, Công ty CP Tân Tân, phường An Bình, thị xã Dĩ An (nay là TP.Dĩ An, Bình Dương), vốn đăng ký là 8 tỷ đồng (tương đương 8 triệu cổ phần), có 3 cổ đông. Trong đó, ông Tân nắm 6,4 triệu cổ phần (tỷ lệ góp vốn 80%); bà Châu Ngọc Phụng (vợ ông Tân nắm 800.000 cổ phần, tỷ lệ góp vốn 10%); ông Tuấn (em trai ông Tân nắm 800.000 cổ phần, tỷ lệ góp vốn 10%).

Ngày 5/7/2011, ông Tân đã lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1962, ngụ quận 10, TP.HCM) hơn 3,6 triệu cổ phần (tương đương hơn 36 tỷ đồng, chiếm 45,83% vốn sở hữu công ty).

Trước ông chủ đậu phộng Tân Tân, nhiều "đại gia" bị khởi tố tội Trốn thuế, chịu án phạt nặng- Ảnh 1.

Cổng vào Công ty Tân Tân ở TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đ.X.

Sau khi trở thành cổ đông, bà Thanh đã nhiều lần yêu cầu Hội đồng quản trị (HĐQT) cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, triệu tập Đại hội cổ đông bất thường, cung cấp báo cáo tài chính của công ty để đánh giá hoạt động cũng như bầu lại HĐQT. Tuy nhiên, HĐQT đã không thực hiện. Do đó, ngày 19/11/2015, bà Thanh gửi đơn khởi kiện HĐQT Công ty CP Tân Tân đến TAND tỉnh Bình Dương.

Ngày 27/9/2018, TAND tỉnh Bình Dương ban hành bản án về việc tranh chấp giữa cổ đông với công ty và các thành viên HĐQT.

Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 10/6/2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương ban hành quyết định thi hành án, nhưng ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng không thi hành bản án dù có đủ điều kiện để thi hành án.

Ngày 14/9/2020, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương tiếp tục ra quyết định cưỡng chế buộc thi hành án, nhưng cả 3 người lại không thực hiện thi hành án dù đủ điều kiện để thi hành án.

Trước ông chủ đậu phộng Tân Tân, nhiều "đại gia" bị khởi tố tội Trốn thuế, chịu án phạt nặng- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh nhận chuyển nhượng hơn 3,6 triệu cổ phần, tương đương hơn 36 tỷ đồng, chiếm 45,83% vốn sở hữu Công ty Tân Tân. Ảnh: Đ.X.

Ngày 9/4/2021, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương có công văn kiến nghị về việc khởi tố ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng về hành vi "Không chấp hành bản án".

Đối với hành vi "Trốn thuế", cáo trạng nêu rõ, Công ty CP Tân Tân kinh doanh thua lỗ nên ngưng hoạt động từ năm 2013.

Năm 2015, ông Tân đứng ra cho Công ty TNHH MTV Thương mại Sản xuất Trồng trọt Tân Tân thuê lại nhà xưởng và kho trên diện tích của Công ty CP Tân Tân, giá thuê là 100 triệu đồng/tháng, bắt đầu thuê từ tháng 7/2015.

Tính đến tháng 11/2022, Công ty CP Tân Tân thu được tổng số tiền 8,6 tỷ đồng nhưng không thực hiện việc xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế đối với doanh thu của doanh nghiệp.

Kết luận giám định thuế ngày 26/8/2022 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương kết luận số tiền thuế phải nộp đối với việc kinh doanh cho thuê nhà xưởng của Công ty CP Tân Tân trong khoảng thời gian này là hơn 1,5 tỷ đồng.

Việc cho thuê nhà, xưởng và kho thuộc Công ty CP Tân Tân do một mình ông Tân trực tiếp thực hiện, ông Tuấn và bà Phụng (các thành viên HĐQT) không được chia theo cổ phần từ doanh thu cho thuê nên không bị xem xét, xử lý hình sự.

Bị can Trần Quốc Tân bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 8/12/2022; bị can Trần Quốc Tuấn bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 18/12/2023.

Cách đây 2 tháng, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình, đại diện pháp luật, Giám đốc CTCP Tập đoàn Asanzo về tội "Trốn thuế".

Theo cơ quan điều tra, ông Phạm Văn Tam đã có chỉ đạo cho ông Phạm Xuân Tình – Tổng giám đốc công ty này ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn.

Sau đó, việc "mua bán" này không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng Công ty Asanzo.

Cơ quan chức năng xác định, công ty này có hành vi trốn thuế hàng chục tỷ đồng.

Công ty Asanzo có mã số doanh nghiệp 0314074316, được thành lập và hoạt động từ 20/10/2016 với tên gọi là Công ty CP Tập đoàn Asan, sau đó đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện lạnh, thiết bị gia dụng mang nhãn hiệu Asanzo (ti vi, máy điều hòa không khí, máy làm mát không khí, ấm siêu tốc, nồi cơm điện, bếp hồng ngoại, máy xay sinh tố…).

Trước ông chủ đậu phộng Tân Tân, nhiều "đại gia" bị khởi tố tội Trốn thuế, chịu án phạt nặng- Ảnh 4.

Ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo, bị khởi tố tội "Trốn thuế". Ảnh: D.N

Trước đó, nhiều vụ việc trốn thuế đã được cơ quan thuế phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Thủ đoạn trốn thuế của các cá nhân này là khai thấp giá trị hàng hóa so với thực tế, không báo cáo thuế, chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, lập các chứng từ giả mạo chứng từ để trốn thuế.

Ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc"), cựu thượng tá, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn cũng từng bị khởi tố tội "Trốn thuế" và phải chịu án phạt nặng

Theo cáo buộc, giai đoạn 2008-2018, ông Hệ nhờ người thân, bạn bè đứng tên đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập Công ty Đức Bình, CTCP Đầu tư Cái Mép.

Trước ông chủ đậu phộng Tân Tân, nhiều "đại gia" bị khởi tố tội Trốn thuế, chịu án phạt nặng- Ảnh 5.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") tại tòa. Ảnh: Thông tấn quân sự.

Tại Công ty Cái Mép, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2016, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết, hợp tác kinh doanh trên 8 khu đất nhưng bản chất là thuê đất.

Sau đó, công ty này hợp tác kinh doanh với các đối tác khác rồi thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp đồng, thực chất đây là cho đối tác khác thuê lại.

Cáo buộc cho thấy giai đoạn 2011-2018, Công ty Cái Mép có tổng doanh thu theo những hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác trên 8 khu đất nêu trên là khoảng 133,6 tỷ đồng

Sau đó, ông Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo không thực hiện kê khai thuế, kê khai không đầy đủ, để ngoài sổ sách và không xuất hóa đơn các khoản thu đó. Mục đích để Công ty Cái Mép trốn đóng thuế với tổng số tiền hơn 39,7 tỷ đồng.

Sau quá trình điều tra, xét xử, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 5 năm tù về tội "Trốn thuế", tổng hợp hình phạt với 3 bản án trước đó, ông Hệ phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.

Tương tự, vụ án 100 bị cáo - đa phần là tổng giám đốc, giám đốc, kế toán các công ty - trong đường dây mua bán khống 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng với tổng doanh số hơn 63.700 tỷ đồng cũng từng gây xôn xao dư luận năm ngoái.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Minh Tú với vai trò cầm đầu, đã thuê người mua 646 doanh nghiệp. Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Tú thuê người "tự kê", rồi "khai khống" doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); "khai giảm" (chỉ khai một phần nhỏ) doanh số hóa đơn bán ra của các công ty bán hóa đơn trên tờ khai thuế điện tử tại các kỳ quyết toán thuế của doanh nghiệp.

Tài liệu điều tra cho thấy với mục đích bán hóa đơn khống để thu lời, trong thời gian tháng 12/2020-10/2022, Tú đã trực tiếp và thông qua các đối tượng trung gian (gọi tắt là F1) sử dụng 646 công ty để bán hơn 1 triệu hóa đơn cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số là hơn 63.762 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 509 tỷ đồng.

TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) 19 năm tù về tội "Trốn thuế", "Rửa tiền".

Bị cáo bị phạt bổ sung 100 triệu đồng, đồng thời phải nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền hơn 755 tỷ đồng đã trốn thuế. Vụ án được xét xử vào cuối năm 2023.

Trước ông chủ đậu phộng Tân Tân, nhiều "đại gia" bị khởi tố tội Trốn thuế, chịu án phạt nặng- Ảnh 6.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) tại tòa. Ảnh: SGGP.

Theo cáo trạng, từ năm 2009 - 2020, Hạnh thành lập nhiều công ty và hộ kinh doanh để mua bán đường cát, sản xuất đường phèn... Hạnh mua đường từ Campuchia rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ với tổng số tiền hơn 2.863 tỷ đồng song chuyển tiền vào tài khoản của người làm công đứng tên, mà không chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế. 

Khi mua bán đường cát, Hạnh không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn bán hàng và kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra. Trong đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam do Mười Tường cầm đầu, một số tiệm vàng trên địa bàn TP.Châu Đốc đã được Cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang xác định có dấu hiệu trốn thuế. 

Điển hình, tiệm vàng Trương Hưng từ năm 2014 - 2020 không kê khai nộp thuế với tổng số tiền gần 9.000 tỷ đồng; tiệm vàng Trương Liêm từ năm 2014 - 2020 không kê khai nộp thuế hơn 3.600 tỷ đồng.