Lãi tiền tỷ mỗi năm từ nuôi gà đen đặc sản
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình anh Phan Nhật Quang, trang trại nuôi gà của anh Quang nằm cách quốc lộ 4E hơn 1km. Ấn tượng với chúng tôi đó là quy mô trang trại rộng lớn được đầu tư khoa học, bài bản, từ việc đầu tư hệ thống camera giám sát, quạt gió, máng nước uống và thức ăn.
Trước khi bén duyên với nghề nuôi gà, anh Phan Nhật Quang đã từng trải qua nhiều công việc cho thu nhập ổn định. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, năm 1991, anh tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên). Sau khi trở về địa phương anh công tác tại Ủy ban dân số tỉnh Lào Cai. Đến năm 1995, anh xin nghỉ ở cơ quan Nhà nước và chuyển sang mở cơ sở chế biến chè Xuân Quang, được một thời gian việc kinh doanh chè không như mong muốn, anh đã chuyển giao lại cơ sở chế biến chè này cho nông trường Phong Hải.
Theo anh Quang, khi mở cơ sở chế biến chè Xuân Quang khiến anh phải bươn trải tìm nhiều công việc để làm kiếm sống nuôi gia đình. Bẵng đi mấy năm, mãi đến năm 2008, anh Quang mới bắt đầu tập trung vào đầu tư phát triển chăn nuôi gà và vận động các hộ dân cùng nhau thành lập Hợp tác xã Quý Hiền, với quy mô khoảng 200.000 con gà.
Ban đầu chúng tôi cứ túc tắc, vừa nuôi vừa học hỏi từ các trang trại nuôi gà lớn ở trong tỉnh Lào Cai. Sau khi có kinh nghiệm và vốn, năm 2017, anh đã tách khỏi Hợp tác xã Quý Hiền và thành lập Hợp tác xã Xuân Tiến, với 12 thành viên do anh làm Giám đốc.
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình, anh Quang giới thiệu, mỗi năm Hợp tác xã Xuân Tiến nuôi trên 80.000 con gà; chủ yếu là các giống gà đen, ác thuần chủng, gà ri, gà mía. Riêng gia đình anh nuôi khoảng 60.000 con. Trung bình mỗi năm Hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 400 đến 500 tấn gà thịt, nhờ đó đã đem lại tổng doanh thu cho cho Hợp tác xã Xuân Tiến khoảng hơn 40 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 4 tỷ đồng/năm.
Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhờ mô hình nuôi gà
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Quang cho hay, từ cách làm này, thu nhập của các thành viên trong Hợp tác xã Xuân Tiến đạt từ 200 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/năm; không những thế Hợp tác còn tạo được việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương, với thu nhập 7 - 8 triệu đồng tháng.
Nói về chuyển đổi số trong phát triển chăn nuôi, anh Quang cho biết, việc áp dụng công nghệ số trong chăn nuôi đã giúp Hợp tác xã Xuân Tiến kiểm soát được dịch bệnh; Các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Cũng nhờ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nên việc chăm sóc, phòng bệnh và tiêu thụ con giống hiệu quả hơn. Ví như trước kia anh Quang phải ôm cả cục tiền đi nhập hàng thì giờ chỉ cần cầm theo cái điện thoại. Với vài cái ấm phím là xong, hay việc quảng bá con gà để xuất bán cho khách trong và ngoài tỉnh cũng chỉ cần gửi ảnh chốt giá là xong.
Với những bước đi bài bản, đúng hướng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, năm 2019, anh Phan Nhật Quang đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng cho biết: Mô hình nuôi gà của gia đình anh Phan Nhật Quang và Hợp tác xã Xuân Tiến là một mô hình tiêu biểu không chỉ của xã Xuân Quang mà còn là mô hình điểm của huyện Bảo Thắng, với cách làm khoa học, các hội viên trong Hợp tác xã không những có thu nhập cao mà con tạo được việc làm với mức lương ổn định cho nhiều hội viên, nông dân. Từ mô hình này chúng tôi đang vận động bà con trong huyện học tập, nhân rộng, từ đó góp phần giúp hội viên, nông dân tăng thêm thu nhập và làm giàu.