Những phần trả lời ứng xử "đi vào lịch sử"
Mới đây, cư dân mạng lại được dịp dậy sóng trước phần thi ứng xử đầy lòng vòng, hời hợt, ấp úng và không đúng trọng tâm câu hỏi của Võ Lê Quế Anh trong đêm Chung kết Miss Grand Vietnam 2024. Nhiều người cho rằng, câu hỏi mà Hoa hậu Đoàn Thiên Ân đặt ra cho Võ Lê Quế Anh: "Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Bạn có thể chia sẻ suy nghĩ về vai trò của người phụ nữ trong lịch sử và ngày nay?" rất đúng trọng tâm của khuôn khổ một cuộc thi nhan sắc, không quá khó nếu có kiến thức xã hội.
Tuy nhiên, phần trả lời của Võ Lê Quế Anh lại khiến nhiều người cảm giác cô rất khó khăn khi trả lời câu hỏi và kiến thức xã hội của cô cũng rất ít ỏi. Bản thân Hoa hậu Hà Kiều Anh cũng nhận định, có thể do mất bình tĩnh nên phần ứng xử của Võ Lê Quế Anh chưa được như mong đợi, chưa thể hiện hết khả năng.
Thực tế, ngay từ năm 1988, ở cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong lần thứ nhất (tiền thân của Hoa hậu Việt Nam) đã có phần thi ứng xử ở đêm Chung kết. Phần thi ứng xử có vai trò hết sức quan trọng để chọn ra người vừa có nhan sắc, vừa có trí tuệ… đại diện cho vẻ đẹp của thiếu nữ Việt Nam. Hoa hậu Bùi Bích Phương – Hoa hậu Việt Nam đầu tiên cũng cho rằng, phần thi ứng xử rất quan trọng, đó là yếu tố quyết định thứ hạng của một người đẹp. Danh hiệu hoa hậu thường thuộc về những thí sinh thể hiện xuất sắc nhất phần thi ứng xử trong top 5 của cuộc thi. Chính phần thi này là phần thi tạo nên sự gay cấn và hồi hộp nhất đối với khán giả theo dõi cuộc thi.
Dẫu vậy, có một thực tế đáng buồn là nhiều năm trở lại đây, phần thi ứng xử tại các cuộc thi nhan sắc rất hời hợt, nhạt nhòa… thậm chí đưa vào cho có lệ. Bên cạnh nhiều câu hỏi được đưa ra thiếu trọng tâm, không sắc, không tinh… thì phần trả lời của nhiều thí sinh cũng rất ngô nghê, hời hợt và kém thông minh. Chính vì thế, phần thi ứng xử của nhiều cuộc thi nhan sắc đôi khi trở thành "thảm họa" trong mắt người xem.
Một ví dụ cụ thể nhất là trong cuộc thi Hoa khôi Thể thao 2007, thí sinh Trần Thị Minh Nhung bốc được câu hỏi: "Bạn nghĩ sao nếu có người nói chính vẻ đẹp hình thể đã đưa bạn đến với cuộc thi này chứ không phải là vẻ đẹp tâm hồn?". Câu hỏi rất rõ ý nhưng người đẹp lại lắp bắp, trả lời rất lạc đề: "Em cảm ơn những người đã đề cao vẻ đẹp hình thể của em…", sau đó kết thúc: "… đến với cuộc thi này em rất mong được học hỏi giao lưu".
Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1999, phần trả lời ứng xử của thí sinh Vũ Thúy Vy cũng khiến nhiều người không thể nhịn được cười. Theo đó, thí sinh này được đặt câu hỏi: "Hãy giới thiệu về bản thân và quê hương mình", Vũ Thúy Vy trả lời rất thật thà rằng: "Em tên là Vũ Thúy Vy. Đó là cái tên mà bố em đã đặt cho em. Có lẽ là do mẹ em có cái tên là Thúy Anh, mà nó tượng trưng cho một loài cỏ thơm cho nên bố em muốn em là một bông hoa. Thế nhưng mà em lại thích bay hơn. Đúng là thì có lẽ em là chim thế nên em đã chọn đường hàng không".
Về quê hương của mình, Thúy Vy giới thiệu: "Em đến từ tỉnh Tiền Giang. Nó không sầm uất như thành phố, nhưng rất êm đềm bên dòng sông Tiền. Nếu có dịp, mời các bạn tới thăm thành phố Mỹ Tho. Thành phố Mỹ Tho thì có các điểm du lịch như Cồn Thới Sơn, Cồn Phụng, Cồn Rồng. Ở đó các bạn có thể thưởng ngoạn phong cảnh cây nhà lá vườn…
Đó chỉ là quê hương của mẹ em thôi, em còn một quê hương nữa đó là quê hương của bố em. Vịnh Hạ Long là một danh lam thắng cảnh rất lớn của nước ta. Quảng Ninh có một mỏ than rất lớn. Các bạn có hỏi mình là yêu Mỹ Tho hay Quảng Ninh hơn thì mình sẽ nói là mình yêu cả 2 bằng nhau. Em xin cám ơn các bạn đã lắng nghe cái tâm sự của em!".
Ở cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam 2014, thí sinh Phan Thị Thu Phương cũng có màn trả lời câu hỏi một cách ngô nghê khiến khán giả cười ồ. Trước câu hỏi: "Bạn có suy nghĩ gì trước hành động xâm phạm Việt Nam của Trung Quốc với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam?", Phan Thị Thu Phương trả lời ấp úng: "Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra... và... và... để cho đất nước Việt Nam của mình ngày càng xinh đẹp hơn". Ngay khi cuộc thi kết thúc, cư dân mạng xôn xao bàn tán về màn ứng xử gây cười này.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà báo Lê Xuân Sơn – người có nhiều năm làm Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam cho rằng, phần thi ứng xử không thể hiện được chính xác thực lực của các thí sinh.
Từ ý kiến này, đã có đề xuất nên tiến tới việc bỏ phần thi ứng xử ra khỏi đêm Chung kết trực tiếp. Thay vào đó, hãy cho thí sinh được thi ở một hình thức khác để đánh giá được sát nhất khả năng của các người đẹp. Bởi khả năng của mỗi người chỉ có thể đánh giá chính xác khi đặt họ vào đúng hoàn cảnh, môi trường và cả thời điểm. Ở các cuộc thi tên tuổi trên thế giới như: Miss World, Miss Universe... thì đêm chung kết chỉ có ý nghĩa trình diễn và trao giải.
NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL chia sẻ với Dân Việt rằng, sau nhiều năm ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi nhan sắc, ông thấy phần thi ứng xử ở một số cuộc thi nhan sắc đúng là có vấn đề, chưa thực sự thể hiện đúng vai trò của một phần thi nhằm đánh giá trí tuệ, bản lĩnh, khả năng giao tiếp, khả năng hùng biện của một thí sinh. Thậm chí, hơi quá sức đối với những cô gái mới mười tám, đôi mươi.
"Tôi cho rằng, có lẽ nên thay phần thi ứng xử trong đêm Chung kết trực tiếp của các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp... như hiện nay bằng một hình thức khác. Phần thi này đúng là sẽ thử thách được trí tuệ và bản lĩnh của các thí sinh nhưng có vẻ như chúng ta đang đặt lên vai của các thiếu nữ quá nhiều sứ mệnh cao siêu. Vô hình chung khiến họ vấp phải quá nhiều áp lực. Nhiều câu hỏi đặt ra trong các cuộc thi đôi khi quá quá rộng lớn, vượt quá tầm hiểu biết, vượt qua cả những trải nghiệm của các thí sinh còn rất non trẻ. Và điều này dễ khiến các thí sinh đua nhau đi "luyện" ở các "lò luyện hoa hậu", chuẩn bị những bài học thuộc...
Tôi nghĩ, cuộc thi nhan sắc nhằm chọn ra những người đẹp đẹp nhất cả vẻ bên ngoài, bên trong và trí tuệ nhưng không nhất thiết phải thử thách bằng phần thi ứng xử. Có thể thay bằng việc để các thí sinh lựa chọn một chủ đề mà họ thích hoặc hiểu biết. Cái đó vừa vừa tầm với tâm sinh lý lứa tuổi, vừa giảm bớt áp lực cho các người đẹp. Trong những cuộc thi nhan sắc lớn, việc họ phải theo lịch trình tập luyện, biểu diễn và tham các các phần thi phụ đã quá đủ rồi... không nên đè lên họ quá nhiều áp lực trong đêm Chung kết như hiện nay".
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: "Tôi cho rằng, phần thi ứng xử trong các cuộc thi nhan sắc tuy đôi khi gây ra những câu trả lời hài hước hoặc nhạt nhòa, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá trí tuệ, khả năng ứng xử và giao tiếp của thí sinh. Để thay thế phần thi này mà vẫn đảm bảo yêu cầu về trí tuệ và bản lĩnh, thì thay vì câu hỏi ngắn gọn và trả lời ngay lập tức, các thí sinh có thể được hỏi những câu hỏi phức tạp hơn, đòi hỏi sự chuẩn bị và phân tích kỹ lưỡng hơn, dưới hình thức phỏng vấn dài hơi với ban giám khảo.
BTC cũng có thể yêu cầu thí sinh chuẩn bị một bài thuyết trình ngắn về một chủ đề bất kỳ có tính thời sự hoặc liên quan đến các vấn đề xã hội để đánh giá khả năng nghiên cứu và trình bày của thí sinh. Ngoài ra, BTC có thể đưa ra các tình huống giả định mà thí sinh có thể gặp phải trong cuộc sống hoặc công việc và yêu cầu họ đưa ra phương án giải quyết.
Hoặc thí sinh có thể được giao một dự án xã hội nhỏ để lên kế hoạch và thực hiện trong thời gian ngắn, sau đó trình bày kết quả và phương pháp thực hiện.
Tôi nghĩ, mỗi hình thức đều có ưu điểm riêng và giúp đánh giá toàn diện hơn về thí sinh. Quan trọng là các cuộc thi cần thay đổi và nâng cấp để không chỉ tôn vinh vẻ đẹp ngoại hình mà còn là vẻ đẹp trí tuệ và nhân cách. Thay vì bỏ hoàn toàn phần thi ứng xử, việc cải tiến và đa dạng hóa hình thức sẽ giúp các cuộc thi trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn".