Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM đề nghị Khu NNCNC phải trở thành hạt nhân của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM.
Khu NNCNC được UBND TP.HCM thành lập năm 2004 với mục tiêu phát triển nông nghiệp Thành phố theo hướng hiện đại, hiệu quả, chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang NNCNC.
Mục tiêu này được thực hiện thông qua xây dựng mô hình để trình diễn và chuyển giao công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và công nghệ.
Tại hội nghị Tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển Khu NNCNC TP.HCM, ngày 6/8 ở huyện Củ Chi, ông Phạm Đình Dũng – Trưởng Ban quản lý Khu NNCNC cho biết, ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữ "biến".
Cụ thể là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững.
Sau 20 năm (2004 - 2024), Khu NNCNC đã và đang trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước thông qua nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao công nghệ và đào tạo, tập huấn cho các tỉnh thành.
Hiện nay, các Trung tâm trực thuộc Ban Quản lý đã thực hiện duy trì bộ sưu tập nguồn gen bảo tồn khoảng 800 nguồn giống, phục vụ cho công tác nghiên cứu, lai tạo ra các giống thế hệ sau có năng suất cao hơn trung bình 30 - 35% so với thị trường.
Hiện có 14 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư vào Khu NNCNC lĩnh vực trồng trọt tại Củ Chi.
Những năm qua, các doanh nghiệp đầu tư tại Khu NNCNC đã sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 900 tấn hạt giống F1 các loại; hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 200.000 hoa lan dendrobium cắt cành và hơn 80.000 cây lan giống và lan thương phẩm…
Tổng doanh thu những năm qua của các doanh nghiệp đầu tư tại Khu NNCNC đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. Doanh thu trung bình của các doanh nghiệp trong các năm gần đây đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Các Trung tâm trực thuộc Ban Quản lý Khu NNCNC đã hoàn thiện khoảng 150 quy trình kỹ thuật. Trong đó, Ban Quản lý Khu NNCNC đã chuyển giao 100 lượt quy trình cho các hộ dân, doanh nghiệp, HTX tại TP.HCM và các Trung tâm, Ban Quản lý tại các tỉnh Thành.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM cho biết, Khu NNCNC TP.HCM không chỉ giới hạn trong việc thúc đẩy NNCNC mà còn đóng vai trò dẫn dắt quá trình phát triển ngành nông nghiệp thành phố, các khu NNCNC trên cả nước theo hướng nông nghiệp xanh, tuần hoàn, nâng cao chất lượng, giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động của Khu NNCNC vẫn một số hạn chế. Trong đó, nhiều nông dân còn gặp khó về vốn trong việc tiếp nhận chuyển giao; hoạt động quảng bá, tập huấn chưa thật sự thu hút được nhiều đối tượng quan tâm.
Khả năng hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất theo yêu cầu của các doanh nghiệp ươm tạo còn hạn chế. Các hoạt động của Khu NNCNC cũng chưa gắn kết chặt chẽ với các chương trình mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp thành phố.
Bà Tuyết đề nghị Khu NNCNC cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp
"Khu NNCNC phải trở thành trung tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ, từng bước trở thành hạt nhân của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững", bà Tuyết đề nghị.