Dân Việt

Hội Nông dân Thái Nguyên làm việc với đoàn chuyên gia Hà Lan

Hà Thanh - Kiều Hải 07/08/2024 08:54 GMT+7
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Hà Lan về việc hợp tác, chuyển giao công nghệ xét nghiệm đất, lá cây trồng.

Ngày 6/8, đoàn công tác gồm đại diện Ban đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và chuyên gia Hà Lan đã đến làm việc, khảo sát, lấy mẫu đất tại HTX Nông sản Vạn Lộc ở xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Buổi làm việc này nhằm tìm kiếm đối tác là các công ty, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để trao đổi thảo luận về việc hợp tác, chuyển giao công nghệ xét nghiệm đất, lá cây trồng; đánh giá chất lượng sản phẩm nông nghiệp; lấy mẫu đất tại trang trại để xét nghiệm và hướng dẫn sử dụng phân bón phù hợp

Hội Nông dân Thái Nguyên làm việc với chuyên gia Hà Lan về hợp tác, chuyển giao công nghệ- Ảnh 1.

Đoàn công tác gồm chuyên gia Hà Lan, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lấy mẫu đất tại HTX Nông sản Vạn Lộc (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) sáng 6/8. Ảnh: Hà Thanh

Tại đây, đoàn đã trao đổi và chia sẻ công nghệ phân tích đất, giúp các đơn vị hiểu về tính chất của đất, các hàm lượng trong đất để có hướng sản xuất và cải tạo đất cho phù hợp. Sau đó, đoàn đã thực hiện lấy mẫu đất để nghiên cứu, phân tích và xét nghiệm, từ đó đưa ra hướng dẫn về sử dụng các loại phân bón cho phù hợp với chất đất.

Ông Peter Henk Prins – chuyên gia về đất và nước (Công ty Tư vấn Đất, nước và Nông nghiệp Prins Hà Lan) chia sẻ: "Tôi rất đồng cảm với những khó khăn của nông dân Việt Nam, đặc biệt trong quá trình canh tác làm sao để định lượng được đầu vào sản xuất cho đúng và đủ, không chỉ với phân bón mà còn cả các chất bảo vệ thực vật.

Tôi cũng cảm thấy rất mừng vì một số nông dân đã chuyển sang sản xuất hữu cơ. Người nông dân muốn vươn lên trình phát triển cao hơn thì đầu tiên cần phải hiểu về chất đất của mình như thế nào, từ đó mới có cách thức canh tác đúng và hiệu quả".

Theo ông Peter, hiện nay, quan điểm của một số nông dân về sản xuất đó là chỉ cần đủ nước là được. Tuy nhiên với người nông dân thực thụ, cần phải hiểu rằng chất đất tốt mới có đủ điều kiện để phát triển sản xuất. Với đất sản xuất, có 3 điều kiện quyết định, thứ nhất là tính chất hoá học của đất, thứ hai là tính chất vật lý của đất và yếu tố thứ ba là tính chất sinh học của đất. Trên cơ sở đó, cần hiểu rõ để biết chất đất mà mình canh tác đang thiếu gì, cần bón thêm gì để đạt được hiệu quả sản xuất như mong muốn.

Cũng theo ông Peter, nhiều năm trước, nông dân Hà Lan đã phải thực hiện việc phân tích đất thủ công. Sau này khi công nghệ phát triển, việc phân tích đất đã trở thành một bộ môn khoa học, có thể làm rất nhanh gọn bằng máy quang phổ cận hồng ngoại. Do đó, chỉ cần lấy mẫu đất cho vào các lọ mẫu và đưa vào máy đọc rồi quét hồng ngoại. Chỉ trong vòng 20 giây đã có báo cáo phân tích mẫu đất với vài chục chỉ số khác nhau, thể hiện rất rõ tính chất đất về vật lý, hoá học hay sinh học một cách cụ thể và chính xác.

"Công nghệ này đã được rất nhiều các nước phát triển sử dụng và trở thành những thông tin được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc áp dụng công nghệ này để phân tích đất còn rất mới và hạn chế. Công nghệ phân tích đất này rất tác dụng với những người làm canh tác thông thường, có thể sử dụng các loại phân bón bổ sung các loại phân vô cơ. Bên cạnh đó, với những hộ sản xuất hữu cơ, công nghệ này cũng rất quan trọng, vì việc bón phân hữu cơ để cải thiện đất sẽ rất khó nên cần phải hiểu sâu về đất như thế nào để sản xuất hữu cơ hiệu quả nhất"  - ông Peter nói thêm.

Hội Nông dân Thái Nguyên làm việc với chuyên gia Hà Lan về hợp tác, chuyển giao công nghệ- Ảnh 2.

Đoàn công tác làm việc với Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, Sở NNPTNT Thái Nguyên, đại diện một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chiều 6/8. Ảnh: Hà Thanh

Trong buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác tiếp tục làm việc và thảo luận một số vấn đề liên quan với Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, Sở NNPTN tỉnh Thái Nguyên, một số HTX, doanh nghiệp sản xuất chè, măng lục trúc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.