Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình 2016. Trả lời phỏng vấn của VOV2, TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có những nhận xét, đánh giá về vấn đề xét tuyển đại học năm nay cũng như có các cảnh báo với các thí sinh các năm tiếp theo.
PV : Ông bình luận gì về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay?
TS. Lê Đông Phương : Trong mấy năm gần đây, dân số Việt Nam trong độ tuổi đi học đã đi vào đi vào ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ. Số học sinh thi tốt nghiệp về cơ bản không biến động trong 3 năm gần đây và số đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 - 2023 cũng không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học có tăng hơn năm trước khoảng 10%. Điều này dường như xuất phát từ việc đây là kỳ thi chính thức cuối cùng theo chương trình 2006 trước khi đổi sang thi tốt nghiệp dựa trên chương trình 2018. Như vậy, một số học sinh 12 và cả thí sinh tự do đã chọn cách an toàn là xét tuyển trong năm nay tránh phải thi theo chương trình 2018 nếu những năm sau mới chọn đi học đại học.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã khẳng định, năm 2025 sẽ có bài thi cho các thí sinh học chương trình 2006 nhưng việc thay đổi chương trình vẫn là mối lo của thí sinh và đằng sau đó là các phụ huynh. Dường như nhiều thí sinh không muốn mạo hiểm trong quá trình thay đổi chương trình giáo dục phổ thông.
Câu chuyện gia tăng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học còn phản ánh nguyện vọng của số đông học sinh lớp 12 muốn được tiếp tục con đường học vấn bằng cách vào học đại học. Đây là một nguyện vọng rất chính đáng của các em học sinh THPT cũng như của cả xã hội, tôi nghĩ chúng ta nên tạo điều kiện tốt nhất cho các em được theo đuổi nguyện vọng này. Nếu số người học của các ngành đại học tăng chúng ta có cơ hội mở rộng quy mô lực lượng lao động có trình độ cao, có kiến thức hiện đại để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp chung của thế giới. Đây cũng là cơ hội để chúng ta bắt kịp với trình độ phát triển của các nước thu nhập trung bình cao và cao như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Hạn chế số lượng sinh viên đại học sẽ làm chậm đà phát triển của đất nước.
PV : Việc các trường sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, theo ông có gì bất cập? Liệu thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp có thiệt thòi?
TS. Lê Đông Phương : Câu chuyện thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học đã được thảo luận khá lâu. Tính chất của 2 việc này khác nhau hoàn toàn: thi tốt nghiệp để xác nhận rằng, học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản phù hợp để bước vào cuộc sống xã hội, trong khi đó, xét tuyển đại học là tìm ra những ứng viên phù hợp nhất với các chương trình đào tạo khác nhau dựa trên nhu cầu xã hội và nguyện vọng của các em.
Chính vì vậy, gần đây các cơ sở giáo dục đại học, hiểu rõ khó có thể chọn được ứng viên thích hợp cho hàng chục hay thậm chí hàng trăm ngành đào tạo hiện nay chỉ bằng cách dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong khi kết quả thi không có sự phân loại rõ ràng, nhất là nhóm trên, đã phải sử dụng thêm các phương thức chọn lọc khác như các bài thi năng lực, kết quả học bạ..
Trong điều kiện Việt Nam, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa ổn định, không có tính so sánh giữa các năm và thậm chí có những sai lệch có chủ đích thì việc xét tuyển đại học bằng kết quả này không đảm bảo độ tin cậy, tôi ủng hộ việc các cơ sở giáo dục đại học tìm các cách thức xét tuyển khác. Thí sinh nên cân nhắc kỹ về hình thức xét tuyển để chọn ra giải pháp phù hợp nhất, tránh hiện tượng dồn toa trong xét tuyển bằng điểm thi dẫn đến điểm chuẩn chạm ngưỡng tuyệt đối.
PV : Năm nay số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành thuộc lĩnh vực STEM chiếm 30%, số thí sinh đăng ký ngành Quản trị kinh doanh có xu hướng giảm trong khi đó những ngành như KHTN và giáo dục lại có chiều hướng tăng… con số này phản ánh điều gì?
TS. Lê Đông Phương : Rõ ràng thí sinh đã có những cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Các chương trình trong nhóm ngành được học sinh ưa chuộng như QTKD, kinh tế, tài chính trong mấy năm gần đây có điểm chuẩn khá cao, học phí cũng thường cao hơn mà cơ hội làm việc không rõ ràng dẫn đến thí sinh cân nhắc kỹ hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu của xã hội về các chương trình đào tạo giáo viên hay khoa học công nghệ đang tăng đã giúp một bộ phận thí sinh thay đổi/điều chỉnh lựa chọn của mình. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy học sinh và phụ huynh đã có những cân nhắc kỹ càng hơn về ngành học.
Tuy nhiên, sự gia tăng thí sinh đăng ký vào các chương trình đào tạo giáo viên cũng cho thấy còn nhiều thí sinh vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình, đang muốn chọn nhóm ngành đào tạo giáo viên được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều em (và cả phụ huynh) chưa hiểu rõ sự hỗ trợ này chỉ là khoản tín dụng ứng trước cho các em, sau này nếu được làm giáo viên thì sẽ được xóa nợ, còn không các em sẽ có nghĩa vụ trả lại các khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận. Trong bối cảnh cắt giảm biên chế hiện nay học sinh và phụ huynh nên cân nhắc kỹ càng điều này.
PV : Nhiều trường đại học đã mở ngành mới và thu hút được sự quan tâm của nhiều thí sinh. Ông có cảnh báo gì với thí sinh khi lựa chọn ngành mới?
TS. Lê Đông Phương : Hiện tại có một số trường đại học có ngành mới theo các cách. Một là đổi tên ngành học hiện hữu trong danh mục mã ngành đào tạo bằng một cái tên mới nghe hấp dẫn hơn để hút học sinh. Thí sinh nên tìm hiểu kĩ (thông qua mã ngành đào tạo của chương trình) để tránh khỏi bị chạy theo trào lưu và nhầm tưởng về chương trình đào tạo. Hai là mở ngành mới ngoài danh mục mã ngành đã được Bộ GD&ĐT công nhận: một số cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo thí điểm ngành mới (nhưng phải được Bộ cho phép). Nếu ngành mới không có biểu hiện gì về sự cho phép của Bộ thì thí sinh cần hỏi kỹ tránh sau này bị ấn vào tay một cái bằng khác hoàn toàn ngành học đã đăng ký.
Học sinh cũng nên tìm hiểu rõ lịch sử và năng lực của các trường đại học để tìm ra được thế mạnh thực sự của trường và xem ngành mới mở có thể thuộc vào thế mạnh của trường hay không?
PV : Xin cám ơn ông!