Ngày 8/8, phiên tòa đại án đăng kiểm tiếp tục phần tranh luận lại quan điểm của Viện Kiểm sát (VKS) đối với hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà và luật sư, cùng một số bị cáo trong nhóm có vai trò cầm đầu sai phạm.
Theo VKS, bị cáo Trần Kỳ Hình không thừa nhận tội lợi dụng chức vụ quyền hạn là chối bỏ trách nhiệm. Quá trình điều tra, ban đầu bị cáo Hình cũng như bị cáo Đặng Việt Hà (Cục trưởng kế nhiệm) không thừa nhận hành vi phạm tội.
Về sau, cơ quan điều tra đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo của các giám đốc trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các địa phương về việc đã đưa tiền hối lộ cho hai bị cáo. Từ đó, hai bị cáo mới dần dần thừa nhận hành vi của mình, song khai nhỏ giọt, chỉ nhận một phần có căn cứ.
Cũng theo VKS, bị cáo Hình chỉ thừa nhận tội Nhận hối lộ, và cho rằng không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; việc ký duyệt cấp đủ năng lực cho một số cơ sở chưa đủ điều kiện chỉ là "vô tình". VKS cho biết, các bị cáo liên quan đến sai phạm của các cơ sở đóng tàu đều thừa nhận hành vi của mình. Trong số các xưởng đóng tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp duyệt, có những chủ xưởng phải chung chi một khoản tiền rất lớn mới được cấp năng lực cho xưởng hoạt động.
VKS cũng nhận định thêm: "Bị cáo cũng biết, việc cấp thông báo năng lực cho các xưởng hoạt động, nhà nước không thu bất kỳ khoản phí nào. Do đó, bị cáo cho rằng việc cấp thông báo cho những xưởng không đủ điều kiện chỉ là những sai sót nhỏ hay không biết mình sai là cố tình chối bỏ trách nhiệm".
VKS phân tích việc các chủ xưởng phải chung tiền cho đăng kiểm viên và những người này đã bị khởi tố về tội Nhận hối lộ. Các đăng kiểm viên khai phải đưa tiền cho lãnh đạo phụ trách về tàu sông. Do chưa đủ căn cứ chứng minh có sự việc đưa tiền, nên các cơ quan tố tụng đã không xử lý bị cáo về tội danh khác nặng hơn.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định, 74 hồ sơ đã không đủ điều kiện cấp năng lực, nhưng bị cáo và nhóm phụ trách đường thủy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà nhà nước giao cho, đề xuất, soát xét, ký cấp thông báo năng lực cho các xưởng không đủ điều kiện. Điều này không chỉ là nguy cơ gây nguy hiểm cho các phương tiện đường thủy, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cơ quan nhà nước. Trong đó, bản thân bị cáo Hình phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc duyệt cấp năng lực cho 63 cơ sở không đủ điều kiện theo quy định.
VKS nêu quan điểm: "Lời khai của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để kết tội, nhưng nhiều người ở nhiều địa phương cùng khai nhận nội dung giống nhau, thì những lời khai đó lại trở thành chứng cứ".
Ngoài ra, VKS cũng không đồng tình với quan điểm của bị cáo Hình cho rằng chỉ hưởng lợi 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD chứ không phải 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD như quy kết. Bởi các cơ quan tố tụng xác định số tiền bị cáo hưởng lợi là phù hợp với diễn biến hành vi tội phạm, phương thức tính tiền và chi tiền của các bị cáo khác trong vụ án.
"Việc bị cáo chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội cũng như số tiền là một trong những căn cứ để VKS đề xuất mức án 23-25 năm tù. Mặc dù VKS đã áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo cho bị cáo nhưng mức độ giảm nhẹ không thể bằng những bị cáo khác có thái độ khai báo thành khẩn hơn", VKS nêu quan điểm về việc bị cho là đề nghị mức án nặng.
Đối với cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà, VKS dẫn chứng việc ông Hà đã thẳng thắn đối mặt với sự thật, thẳng thắn nhận tội để đánh giá về nhận thức và thái độ thành khẩn của bị cáo Hình.
Cụ thể, ông Hà và luật sư nói rằng luôn ý thức được trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, thủ lĩnh ngành đã để xảy ra những tiêu cực như vụ án này. Bị cáo Hà không đổ lỗi cho bất kỳ ai, chủ động khai nhận chức trách nhiệm vụ của mình và khai nhận về những vi phạm của cá nhân mình.
Theo VKS, ông Hà đã thừa nhận biết rõ hành vi tiêu cực xảy ra trong hệ thống đăng kiểm xảy ra từ trước khi được bổ nhiệm là Cục trưởng. Tức là, giai đoạn bị cáo Hình làm Cục trưởng đã có hiện tượng tiêu cực, nhận hối lộ trong ngành.