Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há được coi là một trong những "vị tổ của bộ môn cải lương", với nhiều cống hiến trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật. Bà để lại dấu ấn với hàng loạt vai diễn huyền thoại, đào tạo ra nhiều học trò xuất sắc, tỏa sáng trên sân khấu.
Tên thật của NSND Phùng Há là Trương Phụng Hảo, bà sinh năm 1911 tại Mỹ Tho. Là con thứ 6 trong một gia đình nghèo và đông anh em, Phùng Há sớm bộc lộ đam mê ca hát, diễn xuất. Năm 9 tuổi, cha bà đột ngột qua đời, kéo theo hàng loạt biến cố trong cuộc sống. Bà phải làm đủ nghề, trong đó có việc làm công trong lò gạch để mưu sinh.
Bước ngoặt tới với nữ nghệ sĩ vào năm bà 13 tuổi, khi gánh hát Tái Đồng Ban được thành lập, ông bầu gánh Hai Cu mời bà tham gia với vai trò đào chính cùng với kép chính Năm Châu. Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và được công chúng mến mộ. Năm 18 tuổi, Phùng Há đã lập được gánh hát riêng, lưu diễn khắp nơi, phổ biến nghệ thuật cải lương tới mọi ngõ ngách.
Các vai diễn để đời của bà có thể kể tới như: Tái sanh duyên, Mổ tim Tỷ Cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Đường Minh Hoang, Dương Quý Phi, Đời cô Lựu... Những bạn diễn ăn ý với nữ nghệ sĩ lúc bấy giờ là NSND Nguyễn Thành Châu, Tư Út, Tư Thạch, Duy Lân.
Không chỉ thành công diễn xuất, NSND Phùng Há còn là người thầy tài ba, luôn tận tâm với học trò. Bà truyền dạy cho nhiều thế hệ nghệ sĩ danh tiếng như: Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Diệu Hiền… Năm 1984, bà là nữ nghệ sĩ cải lương duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên.
NSND Phùng Há gặp nhiều trắc trở trong tình duyên. Bà kết hôn lần đầu với nghệ sĩ Tư Chơi vào năm 1926, có với nhau một con gái tên Bửu Trân. Cả hai chia tay sau chỉ hơn 2 năm chung sống.
Vào một đêm diễn năm 1929, sau khi vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài do bà thủ vai Mạnh Lệ Quân kết thúc, bà bất ngờ gặp Bạch công tử Lê Công Phước đứng đợi. Khi đó, ông nổi danh là một trong hai tay chơi giàu có khét tiếng tại miền Nam.
Mến mộ tài sắc của NSND Phùng Há, sau khi kết hôn, Bạch công tử đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ để Phùng Há làm bầu gánh. Huỳnh Kỳ lúc đó là một gánh hát có quy mô lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, quy tụ rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như; Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu… Tuồng hát ăn khách nhất của Huỳnh Kỳ lúc đó là vở Giọt máu chung tình do Năm Thiên thủ vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Đi tới đâu, gánh hát cũng đông nghịt khán giả. Tuy vậy, đến năm 1930, khi tình hình xã hội biến động, gánh hát tan rã, bà và Bạch công tử cũng chia đôi đường.
Sau khi ly hôn với NSND Phùng Há, Bạch công tử kết hôn với nghệ sĩ cải lương Ngọc Sương và sinh được một người con gái tên Ngọc Tuyết (Liliane). Cuộc hôn nhân này cũng nhanh chóng đi tới kết cục buồn, nghệ sĩ Ngọc Sương để con gái lại cho Bạch công tử rồi bỏ về quê. Khi biết tin, Phùng Há đã xin đưa Ngọc Tuyết về nuôi dưỡng.
Về phần NSND Phùng Há, vào năm 1940, 4 năm sau khi kết thúc cuộc hôn nhân thứ 2, bà kết hôn với Nguyễn Hữu Bửu, người đã lập ra gánh hát Phùng Hảo cho bà quản lý. Cuộc hôn nhân này kết thúc sau khi gánh hát Phùng Hảo tan rã. Lần cuối NSND Phùng Há lên xe hoa là với ông Châu Văn Sáu (còn gọi là Bầu Nhơn), tuy vậy cả hai cũng rẽ đôi đường vào năm 1959.
Tháng 7/2009, NSND Phùng Há trút hơi thở cuối cùng ở TP.HCM, hưởng thọ 99 tuổi tại bệnh viện Nguyễn Trãi (Thành phố Hồ Chí Minh). Bà được an táng trong nghĩa trang nghệ sĩ do bà lập nên trong phần đất của Chùa Nghệ sĩ. 99 năm cuộc đời, NSND Phùng Há luôn được đồng nghiệp yêu quý vì bà ít khi nặng lời với ai. Bà từng đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn trên mảnh đất hơn 6.000 mét vuông để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Nghệ sĩ cũng tự bỏ tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho vài nghệ sĩ nghèo.