Nghệ sĩ Nhân dân hiếm hoi từng đắc cử đại biểu Quốc hội: "Tôi mãn nguyện khi rời phố về quê"

Yến Thanh - Minh Khiêm Thứ tư, ngày 07/08/2024 10:06 AM (GMT+7)
"Cuộc sống thôn quê cho tôi rất nhiều cảm nhận thú vị, tôi được quay trở về những tháng ngày cơ cực hồi nhỏ, rồi về với ký ức những năm lăn lộn trong nhà các nghệ nhân ở 49 làng quan họ cổ" - NSND Thúy Cải chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Đã lâu không thấy NSND Thúy Cải hát trên sóng phát thanh, truyền hình, nhiều khán giả thắc mắc không biết bà làm gì sau khi về hưu?

- Tôi sinh năm 1953, tính đến nay tôi đã có gần 20 năm rời nhiệm sở. Từ khi không còn công tác tại Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh), tôi cũng rời ngôi nhà ở thành phố Bắc Ninh để về quê ở thôn Bất Lự, xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) sinh sống.

Cuộc sống thôn quê cho tôi rất nhiều cảm nhận thú vị, tôi được quay trở về những tháng ngày cơ cực hồi nhỏ, rồi về với ký ức những năm lăn lộn trong nhà các nghệ nhân ở 49 làng quan họ cổ để học lẩy câu quan họ.

Tiếng là hưu nhưng tâm hồn, tư tưởng và sự nhiệt huyết của tôi thì chưa khi nào… nghỉ hưu. Tôi vẫn đi diễn trong các chương trình nghệ thuật của tỉnh Bắc Ninh, thậm chí là các chương trình ở cấp độ làng, xã. Tôi không nề hà việc đó, bởi tôi là nghệ sĩ sinh ra từ nhân dân nên phải gắn bó và phục vụ nhân dân.

Tôi vẫn thường xuyên dạy hát quan họ cho các bà, các em nhỏ ở quanh làng, quanh xã. Vài năm trước, tôi còn dạy quan họ cho các em nhỏ, tổ chức tại chùa Phật Tích. Nói chung đã là nghệ sĩ quan họ thì bất cứ ở đâu, khi nào, tôi phải cố công gắng sức lan tỏa câu quan họ.

Nghệ sĩ Nhân dân hiếm hoi từng đắc cử đại biểu Quốc hội: "Tôi mãn nguyện khi rời phố về quê"- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải. (Ảnh: MK)

Nhiều người nhận xét ở bà có nét duyên quan họ không chỉ qua giọng hát mà còn qua nụ cười, ánh mắt, dáng đi và qua cả tính cách, lối sống nghĩa tình. Thậm chí người bạn diễn thân thiết với bà là Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng từng nhận xét rằng: "Quan họ sinh ra để dành cho Thúy Cải như một bông hoa nguyên chất không cần cấy ghép"?

- (Cười). Đó là mọi người ưu ái dành cho tôi những lời "có cánh" đó thôi. Tôi chỉ nhận mình là người may mắn. Tháng 5/1969, tôi được nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu, sau là Trưởng đoàn đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc đến nhà chọn vào đội ca hát quan họ. Thế là từ đó, cuộc đời tôi ngả vào quan họ.

Tôi cùng các lứa các nghệ sĩ quan họ đời đầu tản về các làng quê để học hát quan họ từ các cụ nghệ nhân. Rồi tôi và các nghệ sĩ lại hành quân lên biên giới phía Bắc phục vụ các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Từng tốp, từng tốp mưa rét vẫn hát mặc cho bom rơi, đạn nổ… tiếng hát, tiếng đàn của các nghệ sĩ vẫn nồng cháy, vút bay làm ấm lòng bao chiến sĩ.

Những năm đầu thập niên 80, chúng tôi đã dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình thể nghiệm như: Sự tích trầu cau, Đôi ngọc lưu ly, Chuyện tình Tiên Du, ca cảnh Khúc hát đảo xa… cùng với các chương trình quan họ truyền thống được giới thiệu tới đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

Người ta thường nói quan họ không chỉ đẹp trong lời ca tiếng hát mà còn trong lối sống mà người quan họ dành cho nhau?

- Đúng vậy. Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình là vì thế. Lứa nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc đã đồng hành với nhau suốt hơn nửa thế kỷ với biết bao ngọt bùi, đắng cay. Từ thời bao cấp, chúng tôi bụng đói đi biểu diễn nhưng tất cả đều cống hiến hết mình với quan họ. Ngoài đời, chúng tôi là những người bạn vô cùng thân thiết, gần gũi.

Ngoài việc là một Nghệ sĩ Nhân dân, chị còn từng là một đại biểu quốc hội dành nhiều tâm huyết với văn hóa nghệ thuật...

- Đúng vậy! Trong nửa thế kỷ gắn bó với quan họ, ngoài công việc ca hát, làm Trưởng đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi còn là Đại biểu Quốc hội khóa 9 (1992-1997). Với tư cách là đại diện tiếng nói của cử tri tỉnh Hà Bắc khi ấy, tôi đã có những phát biểu, tranh luận về đường hướng phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà cũng như sớm tìm lối đi cho dân ca quan họ được lan tỏa.

Ngày ấy, tôi cùng nghệ sĩ Huyền Phin (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) là những nghệ sĩ hiếm hoi là Đại biểu Quốc hội và là những nhân tố tích cực khuấy động phong trào văn nghệ vào những buổi tối sau giờ thảo luận căng thẳng trên nghị trường.

Khi ấy Chủ tịch Quốc hội là đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là đồng chí Vũ Mão. Các bác đều là những người yêu thích dân ca và sôi nổi, nhiệt tình trong phong trào văn nghệ. Trong 5 năm làm Đại biểu Quốc hội, tôi được học hỏi nhiều điều từ các bác lãnh đạo cũng như đại biểu tỉnh bạn để có cái nhìn sâu sắc, xuyên suốt về ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sĩ Nhân dân hiếm hoi từng đắc cử đại biểu Quốc hội: "Tôi mãn nguyện khi rời phố về quê"- Ảnh 4.

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải có cuộc sống an yên ở làng quê thời điểm hiện tại. (Ảnh: THND)

Bà truyền bá quan họ ở khắp mọi nơi, thế còn trong gia đình mình thì sao?

- Đáng mừng là con gái lớn của tôi cũng đang theo nghề của mẹ. Cháu là nhạc sĩ Lê Ngọc Lương, từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và có bằng Thạc sĩ quản lý văn hóa, hiện là Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh. Với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, hàng năm Lương đứng ra tổ chức mở 4-5 lớp học hát dân ca quan họ tại cộng đồng cũng như hướng dẫn hoạt động trên 500 Câu lạc bộ quan họ trong tỉnh. Hiện nay, tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ cháu trong việc biểu diễn rồi giảng dạy quan họ.

Lương còn là thành viên hội đồng nghệ thuật của sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, tác giả của nhiều ca khúc mới dựa trên chất liệu Quan họ được người dân trong và ngoài tỉnh yêu thích như: "Về Kinh Bắc", "Người ơi thương nhớ", "Trẩy hội xuân"…

Hiện nay mới chỉ có 2 người được phong danh hiệu NSND trong lĩnh vực ca hát quan họ là bà và NSND Thúy Hường. Có khi nào bà chạnh lòng về điều này?

- Tôi biết rất nhiều người cùng thời với tôi rất xứng đáng được phong danh hiệu NSND, nhưng tiếc là họ chưa được phong. Nhiều khi tôi cũng thấy chạnh lòng vì nghĩ bạn bè cùng lứa với mình, rất tài năng nhưng vẫn bị "trượt" danh hiệu. Nhưng người nghệ sĩ thì đừng vì danh hiệu mà hãy cống hiến vì khán giả, vì nhân dân. Họ mới là những vị giám khảo công tâm và khách quan nhất.

Là người nghệ sĩ hát những bài quan họ cổ, bà cảm nhận thế nào về những sáng tác mới mang âm hưởng quan họ hiện nay?

- Phải nói đây là sự sáng tạo của các nhạc sĩ. Đó cũng là việc nên làm để phù hợp với hơi thở của cuộc sống đương đại. Có lẽ nhắc đến những nhạc sĩ khoác áo mới cho quan họ không thể không kể đến người bạn cùng thời với chúng tôi – nhạc sĩ Đức Miêng. Anh có lẽ là nhạc sĩ có số lượng bài hát mới trên chất liệu quan họ nhiều nhất, tiêu biểu như: Gửi về quan họ, Lời thương ta ngỏ cùng nhau, "rầu cau quan họ… Ngoài ra, nhạc sĩ Phó Đức Phương có Về quê, Những cô gái quan họ. Nhạc sĩ Nguyễn Trung có Tìm trong chiều Hội Lim. Nhạc sĩ Lê Minh có Khách đến chơi nhà, Con nhện tìm duyên

Còn các nhạc sĩ trẻ, tôi thấy họ cũng đã có sự vận dụng với sự sáng tạo của riêng mình. Nhưng tôi chỉ lưu ý sáng tạo nhưng phải hiểu và vận dụng quan họ một cách nhuần nhuyễn chứ không được miễn cưỡng, khập khễnh rồi "làm hỏng" quan họ.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thúy Cải sinh năm 1953 tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm Thúy Cải 16 tuổi, khi Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh được thành lập, bà là lứa nghệ sĩ đầu tiên tham gia. Năm 1988, Thúy Cải được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt phong tặng đầu tiên. Năm 1992, bà được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997). Từ năm 1996 đến 2008, Thúy Cải làm Trưởng đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đến năm 2015, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem