Theo đó, Quyết định số 791/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ban Chỉ đạo). Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trực tiếp nắm vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Các Phó ban sẽ bao gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Trưởng ban thường trực); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo bao gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Tài chính; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải.
Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Trưởng ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ chủ quản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao.
Việt Nam có kế hoạch đi sâu vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, mục tiêu của Chính phủ từ nay đến năm 2030 sẽ đào tạo được từ 50.000 đến 100.000 nhân lực cấp cao, trong đó có kỹ sư ngành bán dẫn để phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, Brazil với khoảng 20 triệu tấn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước chưa có trình độ khai thác, cơ sở hạ tầng và nhân lực, vật lực để phát triển ngành công nghiệp mới này của thế giới.
Hiện quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chip bán dẫn là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, (Đài Loan - Trung Quốc), Nhật Bản... Hiện, Việt Nam thu hút được một số tập đoàn bán dẫn lớn của thế giới vào hoạt động, trong đó có Amkor Technology (Mỹ) đã khánh thành nhà máy hơn 1.6 tỷ USD tại Bắc Ninh, hay các tập đoàn lớn khác như Intel, Samsung, Foxconn, Hana Micron Vina cũng đã và đang hoạt động tại Việt Nam.
Bộ KH&ĐT ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.