Dân Việt

Dự báo "tương lai" của ngành Gỗ nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ

Nguyên Vỹ 09/08/2024 13:28 GMT+7
Ngành gỗ Việt vừa trải qua nhiều vụ kiện từ thị trường Mỹ. Nếu sau kỳ bầu cử, chính quyền mới sẽ thiết lập mức thuế riêng với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, gây thêm lo ngại về gian lận xuất xứ cho ngành gỗ Việt.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tich Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhấn mạnh tại hội nghị Giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản do Bộ NNPTNT tổ chức tại Bình Dương, ngày 9/8.

Ngành gỗ Việt vẫn đối diện nhiều rủi ro

Theo Cục Lâm nghiệp cho biết, 7 tháng đầu năm, ngành xuất khẩu gỗ đón nhận tín hiệu phục hồi tích cực.

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24 %.

Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,504 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Giá trị xuất siêu ước đạt 7,857 tỷ USD.

Ngành gỗ Việt đối diện thêm nhiều rủi ro nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Hội nghị Giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản do Bộ NNPTNT tổ chức tại Bình Dương, ngày 9/8. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm 2024.

Tuy nhiên, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cũng cho biết, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị. Điều này, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ những tháng cuối năm.

Các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ hàng hoá.

Ngành gỗ Việt đối diện thêm nhiều rủi ro nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh 2.

Ngành gỗ Việt đón nhận vẫn đối diện nhiều rủi ro. Chế biến gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại thị trường Mỹ, nước này đã kết thúc vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với tủ gỗ và bàn trang điểm của Việt Nam. Nhưng trong tương lai, Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát, hậu kiểm đối với mặt hàng này.

Đồng thời Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng cách gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Nguy cơ cho ngành gỗ Việt từ thị trường Mỹ

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Viforest cho biết, Mỹ là thị trường quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, chiếm trên 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành.

Ngành gỗ Việt đối diện thêm nhiều rủi ro nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh 3.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ những lo ngại của ngành gỗ Việt tại thị trường Mỹ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Lập, Bộ Thương mại Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ khiến các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối diện với nhiều thách thức. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Ngành sản xuất tại Mỹ gặp khó khăn và đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ cần sự ủng hộ của cử tri khi bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến.

Một vấn đề đáng quan tâm là cuộc bầu cử của Mỹ sắp diễn ra, sẽ khiến nhiều quyết sách của Mỹ có thể sẽ thay đổi.

Theo ông Lập, nếu ông Donald Trump tái cử thành công Tổng thống Mỹ, chính quyền của ông sẽ thiết lập mức thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu và 60% với hàng hóa nhập khẩu từ riêng Trung Quốc nhằm xử lý vấn đề thặng dư thương mại.

Ngành gỗ Việt đối diện thêm nhiều rủi ro nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh 4.

Mặt hàng gỗ nội thất xuất khẩu của một doanh nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Lập cho rằng, điều này sẽ gia tăng nguy cơ gian luận xuất xứ vào thị trường gỗ Việt Nam. Ngành gỗ Việt sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn nếu muốn xuất khẩu vào Mỹ.

"Các vụ kiện có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng. Trước đó, ngành gỗ Việt vừa trải qua 5 vụ kiện liên tục, riêng thị trường Mỹ là 3 vụ", ôn Lập chia sẻ.

Vì thế, Hiệp hội Viforest đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ (DOC).