Vụ tai nạn liên hoàn ở cầu Phú Mỹ (hướng quận 7 đi TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản khiến 3 phương tiện bị cháy, trong đó có 2 ô tô bị cháy rụi, 1 xe tải bị cháy phần đầu, rất may không có thiệt hại về người.
Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng điều tra ban đầu cho biết, chiếc xe tải gây tai nạn biển số 68H.00068 khi đổ dốc cầu Phú Mỹ hướng từ quận 7 đi TP. Thủ Đức thì xe mất phanh không làm chủ được tốc độ nên đã xảy ra vụ tai nạn nói trên.
Xe mất phanh là nguyên nhân chính và trong trường hợp này tài xế đã bị động. Tuy nhiên, nhiều tranh cãi đã nổ ra sau vụ tai nạn này về nguyên nhân một phần cũng đến từ sự chủ quan của lái xe tải dẫn đến tai nạn.
Cụ thể, nhiều ý kiến của các tài chế chia sẻ trên diễn đàn việc ô tô tải đổ dốc để số 5 là cao dẫn đến việc xử lý bằng việc phanh số không có tác dụng.
Theo tìm hiểu, đối với ô tô tải được thiết kế hộp số dạng 2 tầng nên cơ chế hoạt động sẽ khác với các dòng xe con. Việc tài xế ô tô tải sử dụng số 5 khi xuống dốc ở cầu Phú Mỹ sẽ tương đương với số 3 trên xe con.
Anh Phạm Tài - lái xe container chia sẻ với Dân Việt cho rằng, việc tài xế để số 5 trong trường hợp xuống dốc là cao nên xe không thể phanh bằng số khi bị mất phanh hơi.
"Trên ô tô tải sẽ có hộp số sàn được chia thành 2 tầng. Tầng chậm gồm các số 1-2-3-4-RL và tầng nhanh là 5-6-7-8-RH nên khi xuống dốc, tôi thường đi số chậm để hạn chế dùng đến phanh mà sẽ giảm tốc độ một phần bằng số", anh Tài nói.
Như vậy, trường hợp của tài xế ô tô tải trong vụ tai nạn trên dùng số 5, tức số nhanh để chạy khi xuống dốc cầu không được những lái xe kinh nghiệm lâu năm sử dụng. Điều này dẫn đến việc khi mất phanh hơi, lái xe đã lập tức mất kiểm soát chiếc xe bởi số nhanh không thể giảm tốc độ.
Ở góc nhìn chuyên môn về mặt kỹ thuật, chuyên gia xe Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nhìn quãng đường phanh của xe tải trong vụ tai nạn có thể thấy tài xế sử dụng số cao nên gần như phanh số trong trường hợp này không có tác dụng khi xe mất phanh.
"Hiện trường vụ tai nạn cho thấy, quãng đường phanh dài nên trong trường hợp này tài xế đang để số cao không thể giảm tốc độ bằng số. Xe tải phanh hơi hoặc dầu trợ lực hơi ít khả năng mất phanh hoàn toàn nên chỉ có đi số cao, phanh mất hiệu lực không hãm được", vị chuyên gia này nhận định.
Cũng theo ông Hải, trong phần lớn các trường hợp từ ô tô con đến xe tải mất phanh là do tài xế chủ quan đi xe với số cao.
Những xe tải nặng vốn đã có quãng đường phanh dài hơn xe con mà tài xế còn đi số cao, đặc biệt khi xuống dốc nên trường hợp mất phanh mất luôn kiểm soát là điều khó tránh nên mới xảy ra vụ tai nạn với lực tông mạnh như vậy khiến nhiều xe con hư hỏng nặng.
Trong vụ tai nạn kể trên có nguyên nhân khách quan là xe mất phanh, nhưng không thể bỏ qua sự chủ quan của tài xế khi xe xuống dốc mà lại để số cao dẫn đến việc không thể hãm tốc độ khi mất phanh bằng số.