Dân Việt

Doanh thu tăng trưởng, vì sao lợi nhuận của Mộc Châu Milk và Hanoimilk vẫn sụt giảm tới hơn 50%?

Nguyễn Phương 15/08/2024 10:31 GMT+7
Doanh thu tăng trưởng, thị trường thuận lợi song lợi nhuận của hai doanh nghiệp ngành sữa là Mộc Châu Milk và Hanoimilk vẫn sụt giảm mạnh...

Lợi nhuận Hanoimilk, Mộc Châu Milk giảm sút mạnh

Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (mã chứng khoán: MCM) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024. Trong đó, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu thuần đạt 809 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn hàng bán, Mộc Châu Milk thu về 248,2 tỷ đồng lợi nhuận gộp, gần như đi ngang so với quý II/2023.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 50,5%, về mức 21,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ sự sụt giảm lãi tiền gửi, chỉ đạt 49,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 73,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lãi chênh lệch tỷ giá ghi nhận ở mức 16,6 triệu đồng, tương ứng giảm 96,1% so với con số 432,5 triệu đồng của quý II/2023.

Các chi phí trong kỳ gần như không thay đổi, trong đó chi phí bán hàng đạt 194,1 tỷ đồng, tăng 11,3%. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 4% còn 9,3 tỷ đồng.

Kết quả, Mộc Châu Milk báo lãi trước thuế giảm 38,8% so với cùng kỳ, đạt 64,7 tỷ đồng. Trừ các chi phí, Mộc Châu Milk ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 56,3 tỷ đồng, thấp hơn 39,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Mộc Châu Milk mang về 1.434 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm 45,2%, về mức 106,2 tỷ đồng.

Năm 2024, Mộc Châu Milk đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu thuần dự kiến đạt hơn 3.367 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm hơn 11%, còn 332 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Mộc Châu Milk hoàn thành 42,6% mục tiêu doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Mộc Châu Milk đạt 2.607 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 39% lên 260 tỷ đồng, chủ yếu do giá thành phẩm.

Trước đó, quý I/2024, Mộc Châu Milk cũng báo lãi sau thuế chỉ 49,9 tỷ đồng, giảm tới 50,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 12 quý trước đó. 

Doanh thu tăng trưởng vì sao lợi nhuận của Mộc Châu Milk và Hanoimilk vẫn sụt giảm mạnh? - Ảnh 1.

Mộc Châu Milk báo lãi quý II/2024 giảm gần 40%.

Mộc Châu Milk tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1958 với tên gọi Nông trường Quân đội Mộc Châu. Đến năm 2016, công ty đã được cổ phần hóa hoàn toàn. Trong đó, 51% vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã: VLC). Trong khi đó, GTNFoods lại nắm giữ 74,5% vốn điều lệ tại Vilico.

Tháng 12/2019, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) gia tăng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods từ 43% lên 75%. Qua đó, đưa Mộc Châu Milk trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk.

Hiện Mộc Châu Milk đang có hai cổ đông lớn là Vilico với tỷ lệ sở hữu 59,3% vốn và Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 8,85% vốn, còn lại là các cổ đông nhỏ với 31,85%. Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Vinamilk đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk.

Tại ĐHĐCĐ cuối tháng 4, công ty đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 20% bằng tiền, tương đương 59% lợi nhuận sau thuế. Dự kiến, cổ tức năm 2024 sẽ ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế.

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT, từng cho biết mức cổ tức cao thể hiện cam kết của công ty đối với nhà đầu tư và cổ đông, duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt. Trong năm nay, Mộc Châu Milk sẽ nâng cao chất lượng sữa nguyên liệu, củng cố hệ thống phân phối, linh động trong sản xuất, và thực hiện các dự án đầu tư phát triển.

Cũng chung tình cảnh lợi nhuận giảm sút mạnh, Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) cho biết, dù doanh thu tăng trưởng doanh nghiệp này vẫn "ngậm ngùi" báo lãi đi lùi. Theo đó, doanh thu bán hàng trong quý II/2024 của Hanoimilk đạt 180,8 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Sau khi trừ giá vốn hàng bán, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 32 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với số đầu năm.

Trong kỳ, do các khoản chi phí đều phát sinh so với đầu năm dẫn đến lợi nhuận của công ty bị bào mòn xuống 9,4 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hanoimilk đạt 310 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. 

Năm 2024, Hanoimilk lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 48 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty hoàn thành lần lượt 38% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Dư địa thị trường sữa Việt nam vẫn còn rất lớn cho các doanh nghiệp sữa

Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tổng sản lượng sữa bột toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 1,5% so với năm 2023, đạt khoảng 9,34 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu sữa bột trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm 1,1%, còn 2,49 triệu tấn.

Với việc nguồn cung sữa bột trên toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ thặng dự và việc Trung Quốc giảm nhập khẩu sữa bột nguyên kem do nguồn cung nội địa dồi dào, nhiều tổ chức tài chính nhận định giá sữa bột nguyên liệu sẽ tiếp tục neo ở mức thấp trong cả năm nay.

Điều này giúp biên lợi nhuận gộp của các hãng sản xuất sữa tiếp tục cải thiện trong năm 2024.

Doanh thu tăng trưởng vì sao lợi nhuận của Mộc Châu Milk và Hanoimilk vẫn sụt giảm mạnh? - Ảnh 2.

Việt Nam chỉ mới đáp ứng 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước vẫn còn lớn

Đối với ngành sữa trong nước, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, Việt Nam chỉ mới đáp ứng 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước vẫn còn lớn, nhưng ngành sữa trong nước đang chịu cạnh tranh lớn từ sữa nhập khẩu.

Theo số liệu Euromonitor, quy mô thị trường sữa Việt Nam hiện ước tính khoảng hơn 135.000-150.000 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu sữa trong nước, phần còn lại đến từ sữa nhập khẩu.

Sản lượng sữa sản xuất trong nước đạt khoảng 1,8 tỷ lít sữa tươi và 144 triệu tấn sữa bột. Kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam đạt từ 1,2-1,5 triệu USD/năm. Trong đó, nhập khẩu từ Newzealand chiếm 28% và Mỹ chiếm 18%. Phần lớn sữa bột nhập khẩu vào Việt nam được chế biến thành sữa pha lại.

Về phân khúc sản phẩm, sữa bột và sữa nước chiếm gần 3/4 quy mô thị trường sữa của Việt Nam. Sữa chua và sữa uống đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng trưởng hàng năm lần lượt là 12% và 10% so với sữa bột 4%.

Bên cạnh đó, tiêu dùng sữa trên đầu người của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp, khoảng 27 lít/người/năm so với 35 lít/người/năm tại Thái Lan và 45 lít/người/năm tại Singapore vào năm 2022. 

Theo dự báo của Research and Markets, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người tại Việt Nam sẽ đạt 40 lít/người/năm vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4% hàng năm. 

Điều này cho thấy, dư địa thị trường sữa Việt nam vẫn còn rất lớn cho các doanh nghiệp sữa.

Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, phần lớn nguyên liệu cho ngành sữa của Việt Nam vẫn được nhập khẩu là chủ yếu do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa. 

Số lượng các doanh nghiệp sản xuất sữa lớn trong nước rất ít. Hiện nay, Việt nam có trên 200 nhà sữa sản xuất sữa, nhưng phần lớn sữa được sản xuất từ các tập đoàn lớn như Vinamilk (chiếm khoảng 40% thị phần sữa năm 2022), Friesland Camina Việt nam (chiếm 18%), TH Food (11%), Vinasoy (7%) và Nestle Việt Nam (7%)...