Chiều 9/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định liên quan đến phát triển lĩnh vực công thương tại tỉnh này.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, hiện có Tập đoàn PNE (Đức) đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu với quy mô công suất 2.000MW, vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, bổ sung dự án với công suất giai đoạn thí điểm 750MW do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư vào dự thảo đề án về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, để tỉnh có cơ sở và thuận lợi trong thu hút đầu tư.
"Bình Định chưa có một doanh nghiệp nào tầm cỡ lớn để tạo cú hích tăng trưởng kinh tế cho tỉnh. Dự án này là niềm hy vọng rất lớn của Bình Định. Nhà đầu tư đã tiến hành đo gió hơn 1 năm rồi và kết quả rất tốt. Tôi hy vọng Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi, để dự án sớm triển khai", ông Dũng đề xuất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm, Bộ ủng hộ dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định.
Bộ sẽ trả lời chính thức bằng văn bản với tinh thần cái gì thuộc thẩm quyền của bộ thì bộ sẽ ủng hộ cho địa phương tối đa, còn cái gì vượt ngoài thẩm quyền thì bộ cùng tỉnh kiến nghị với Trung ương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng đề án thí điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Nhưng vì điện gió ngoài khơi gắn với an ninh quốc gia, cho nên ban đầu dự kiến chỉ có những tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia việc này.
Bộ đề nghị các đơn vị liên quan ủng hộ địa phương theo hướng gợi ý để liên doanh, liên kết với một trong các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.
Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất với Chính phủ cho thí điểm 1 tập đoàn nước ngoài vào đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bình Định cần rà soát quy hoạch tỉnh, nếu có điểm chưa phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, thì khẩn trương trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp.
Ngoài ra, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn (đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 175 MW điện gió trong bờ và gần bờ; 73MW thủy điện nhỏ; 15MW điện rác; 38 MW điện mặt trời mái nhà; 13 dự án lưới điện; 03 dự án Kho dự trữ xăng dầu; 02 điểm mỏ khoáng sản).
Đáng lưu ý, tỉnh Bình Định có độ che phủ rừng tới 58%, rất thuận lợi để phát triển thị trường tín chỉ carbon, để doanh nghiệp trên địa bàn có cơ sở cấp tín chỉ xanh cho sản xuất và xuất khẩu.
"Đối với vấn đề này, tôi đề nghị tỉnh triển khai càng nhanh càng tốt. Thị trường tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Còn cấp chứng chỉ xanh cho sản xuất và xuất khẩu do Bộ Công Thương chủ trì. Nếu tỉnh đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn chuyển đổi sang sản xuất xanh, để từ ngày 1/1/2025, các nhà nhập khẩu EU và Hoa Kỳ đưa ra quy định này sẽ đáp ứng được và tỉnh lại có nguồn thu cho ngân sách", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bình Định phải đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững nhằm xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển vùng.
"Bình Định đi sau, quy mô công nghiệp nhỏ thì hãy cố gắng phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp bền vững để tạo sự khác biệt và đi lên", Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, Bình Định cần chủ động triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) để phát triển quỹ đất sạch để thu hút các dự án lớn có tính động lực cho kinh tế tỉnh.
"Các nhà đầu tư lớn đến đầu tư mà tỉnh có quỹ đất sạch thì đây là một điều kiện hấp dẫn rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bình Định với vị trí là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu cả nước, vì vậy cần lưu ý đến quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) sẽ được áp dụng từ tháng 1/2025, đối với nhà nhập khẩu lớn và từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ.
"Ngay cả sản phẩm thủy sản cũng vậy. Nếu không gỡ được thẻ vàng, EU sẽ rất khó khăn cho xuất khẩu thủy sản", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.